A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảm xúc ngày tiếp quản Thủ đô

 

63 năm trước, ngày 10-10 là thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và cả nước. Hà Nội khi ấy đỏ rực cờ hoa, biểu ngữ chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Để xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính đã đi qua khoảnh khắc ấy và lớp lớp thế hệ hôm nay vẫn đang ra sức lao động, cống hiến hết mình, trở thành những công dân gương mẫu, có ích của Thủ đô thân yêu.

 

 

Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp (thứ 2 từ trái sang) kể lại những kỷ niệm khi về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.

 

Chúng tôi gặp Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp, Nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng tại nhà riêng của ông, số 84, Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ở ông, chúng tôi thấy toát lên những nét riêng về sự hào hoa của người Hà Nội.

Sinh năm 1938 tại Hà Nội, đến năm 1946 ông theo gia đình đi tản cư tại Phú Thọ. Học chưa hết cấp 2 tại đây, tháng 2/1954, ông bắt đầu tham gia thanh niên xung phong, làm tuyến đường 1B (khu vực Bắc Sơn-Đình Cả-Thái Nguyên). 2 tháng sau, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ông chuyển sang bộ đội thuộc Trung đoàn 77.

 

“Do thời gian cấp bách, vừa hành quân lên Điện Biên Phủ, chúng tôi vừa huấn luyện và  được bổ sung vào Tiểu đoàn 23 (do đồng chí Nguyễn Quốc Trị làm Tiểu đoàn trưởng), Trung Đoàn 88, Đại đoàn 308. Chiến đấu ở Điện Biên Phủ, tôi chuyển sang Tiểu đoàn 29 của Trung đoàn. Hết Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị được lệnh về tiếp quản Thủ đô. Khi đó, Đại đoàn 308 đóng ở Thái Nguyên nhưng để chuẩn bị cho việc về tiếp quản, chúng tôi được lệnh tập trung ở Trại Cờ (Bắc Giang) để biểu dương lực lượng. Khi có lệnh về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi lên đường hành quân. Trước khi về tiếp quản, chúng tôi được học rất nhiều thứ: Từ việc giữ mối quan hệ với nhân dân, cách mở vòi nước, sử dụng các trang thiết bị sinh hoạt…

Về tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn 308 được chia thành 2 hướng: Trung đoàn 102 (do đồng chí Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu) đi theo hướng từ Phùng (Đan Phượng), qua Cầu Giấy tiến vào. Hướng còn lại (trong đó có tôi) từ Thường Tín tiến vào. Chiều 9-10, đơn vị đóng quân tại khu Đông Dương học xá (giờ là Đại học Bách khoa). Sáng sớm 10-10, đơn vị hành quân lên Bờ Hồ, trong đó 1 bộ phận vào Cột Cờ để chiều làm Lễ chào cờ, còn đơn vị tôi bảo đảm tại khu vực Cầu Long Biên ngược vào nội thành. Khi đó tôi là chiến sĩ, có nhiệm vụ canh gác, tuần tra khu vực đóng quân.

 

“Ấn tượng với tôi trong ngày tiếp quản là đi đến đâu, cờ hoa xuất hiện đến đó. Bởi vì khi quân Pháp còn chưa rút thì toàn Thành phố im ắng nhưng khi ta tiến vào đến đâu, Pháp rút đến đó nên nhân dân ùa ra reo hò”.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp nhấn mạnh: “Tôi rời Hà Nội đi tản cư cùng gia đình mới chỉ là cậu bé 8 tuổi, khi trở về đã là chiến sĩ tiếp quản Thủ đô, tôi xúc động lắm. Khi còn ở Hà Nội, mặc dù mới 8 tuổi nhưng ngày 19/8/1945, tôi cùng đám bạn bè nhốn nháo đến Bắc Bộ Phủ để xem ta giành chính quyền. Vì vậy khi về Hà Nội, tôi rất muốn biết đã đổi thay như thế nào. Điều mà tôi thấy rõ nhất là sau 9 năm bị Pháp đè nén, khi thấy bộ đội về tiếp quản Thủ đô, người dân thực sự phấn khởi, vui sướng. Mọi người hò reo, thậm chí nhảy lên vì vui sướng.

 

Đại đội của tôi có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, làm công tác dân vận tại các khu vực Nhà hát lớn, Bảo tàng Cách mạng, Nhà máy nước đá. Mình từng sinh ra và lớn lên tại Thủ đô nên mình thông thuộc địa bàn, anh em lần đầu tiên về đây nên còn nhiều bỡ ngỡ, do đó tôi thường xuyên phải đi tìm đồng đội lạc…

Sau thời gian ngắn, Đại đoàn 308 lại được lệnh rút khỏi Hà Nội, giao lại nhiệm vụ tiếp quản cho đơn vị mới thành lập 350. Trung đoàn tôi rút sang Gia Lâm, bảo vệ Hà Nội ở vòng ngoài.

Công tác tại đơn vị một thời gian, đầu năm 1955, phòng không phát triển, Trung đoàn 367 tuyển khoảng 60 đồng chí có trình độ đi học ra-đa, tôi được nằm trong số đó. Sau khi học xong, tôi về làm trắc thủ của Quân chủng Phòng không-Không quân. Sau đó, tôi chuyển sang làm Kỹ thuật viên ra-đa, rồi làm giáo viên ra đa tại Trường Tập huấn của Quân chủng và Trường Sỹ quan Pháo phòng không. Khi chuẩn bị thành lập Binh chủng Tên lửa, chúng tôi lại được rút về đi học tên lửa và công tác ở lĩnh vực đó”.

 

Là người lính trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp khẳng định: Tôi thấy Quân đội ta ngày càng trưởng thành và phát triển. Thủ đô cũng vậy. Nếu so với Hà Nội những ngày tiếp quản và bây giờ thì quả thực đã phát triển vô cùng: Người đông lên theo cấp số nhân, đường xá nhiều, đẹp và hiện đại… Thiết nghĩ, bây giờ và mãi mãi sau này, chúng ta phải xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng danh với lời khen tặng của Bác Hồ "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

 

Trần Hiền-Thế Hà

(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ