A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người cán bộ ở đơn vị tiền trạm tiếp quản Thủ đô

 

Ngày 10/10/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Vì vậy cứ đến những ngày này, trong tiềm thức của người dân đất Việt nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng lại không khỏi bồi hồi, xúc động. Hoà chung cảm xúc ấy, chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Tất Thiệu, 88 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Quân chủng Phòng không-Không quân, người đã góp mặt trong lực lượng tiếp quản Thủ đô năm ấy, nghe ông kể về những khoảnh khắc không bao giờ quên.

 

 

Đại tá Nguyễn Tất Thiệu (ngồi bên trái) tự hào kể lại những ký ức hào hùng của một thời máu lửa.

 

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, năm 1945, ông Nguyễn Tất Thiệu bắt đầu thoát ly. Năm 1949, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Sau khi huấn luyện tại Thanh Hoá, ông Thiệu tham gia chiến đấu tại  Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Điện Biên Phủ và về giải phóng Thủ đô…

Ông kể: “Năm 1954, tôi tròn 25 tuổi và tràn đầy nhiệt huyết. Khi ấy đơn vị tôi là Đại đội 175, Tiểu đoàn 100, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đang đóng quân tại Bình Đa, huyện Thanh Oai, chờ lệnh của trên. Sau khi có lệnh ngừng bắn lúc 0 giờ ngày 22/7/1954, đơn vị không đánh nữa mà rút về củng cố lực lượng, làm mọi công tác chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô.

Để không xảy ra bất cứ tình huống xấu nào trong quá trình tiếp quản, cùng với tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập, quán triệt nhiệm vụ, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định, kỷ luật tiếp quản, chúng tôi được học rất nhiều thứ, từ chính sách của ta đến cách  ăn nói, tư thế, tác phong, trang phục sao cho thống nhất.

 

Chúng tôi thường xuyên được giáo dục nêu cao cảnh giác chính trị, đấu tranh chống tư tưởng hưởng lạc. Đặc biệt chúng tôi được nhắc đi, nhắc lại một điều đó là: “Đừng để viên đạn bọc đường dính vào người”. Khi đơn vị tôi về tiếp quản Thủ đô năm 1954, Hà Nội lúc đó còn đơn sơ lắm. Thủ đô ngày nay so với 63 năm trước đổi mới, phát triển và khác xưa rất nhiều”.

Có một điều đáng nói, nếu Sư đoàn 308 tiếp quản đúng ngày 10/10/1954 thì trước đó một ngày, Sư đoàn 304 đã vào tiếp quản, làm công tác tiền trạm. Ngoài cán bộ thuộc Ủy ban Đình chiến Trung ương cùng một số cán bộ vào trước để hợp đồng quy chế tiếp quản với quân đội Pháp thì Sư đoàn 304 là đơn vị đầu tiên vào tiếp nhận sự bàn giao, có trách nhiệm liên hệ với cơ sở nội thành để hôm sau đại quân tiến vào Hà Nội an toàn, trang nghiêm.

Bác Thiệu bồi hồi: “Đơn vị tôi vào trước tiếp quản Hà Đông, rồi tiếp quản, thay thế và chiếm giữ các vị trí tại Sân bay Bạch Mai. Sau đó đơn vị chia thành nhiều mũi làm công tác dân vận, củng cố, xây dựng Thủ đô. Chúng tôi làm các việc rất nhỏ như trồng cây, củng cố các vị trí... Điều quan trọng là làm sao để bộ đội giữ nghiêm kỷ luật.

Khi vào tiếp quản Thủ đô, bộ đội chúng tôi được nhân dân ủng hộ rất nhiệt tình. Họ phấn khởi, chan hòa và quý mến bộ đội lắm. Khi vào tiếp quản, tôi là Đại đội phó Đại đội 175, Sư đoàn 304.

Ông Thiệu nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể chiến thắng được quân đội của những đế quốc sừng sỏ trên thế giới là do Đảng, Bác Hồ đã tập hợp được sức mạnh, sự đoàn kết của toàn dân tham gia. Chính điều đó đã làm nên hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hãy điểm lại tất cả các mốc son lịch sử đều có sự tham gia của toàn dân, bộ đội là một phần trong đó, vì bộ đội của ta là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

 

63 năm trôi qua, Hà Nội hôm nay đã trở thành trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; Thủ đô Anh hùng-Thành phố vì hòa bình. Là người lính đã tham gia nhiều trận chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ để bảo vệ bình yên của Tổ quốc, đem lại hoà bình cho nhân dân, mỗi dịp đến các ngày lễ lớn của dân tộc, mà nhất là ngày 10-10, cũng như bao cựu chiến binh khác, Đại tá Nguyễn Tất Thiệu lại không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước, Thủ đô sẽ còn phát triển vững mạnh và bền vững hơn nữa. Từ trái tim yêu Tổ quốc, ông mong rằng thế hệ trẻ hôm nay, nhất là những chiến sĩ cần phải thấy tự hào vì được là Bộ đội Cụ Hồ, vì vậy hãy sống và cống hiến hết mình như thế hệ những người đi trước.

 

T.Hiền-T.Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ