A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ ngày 2-9-1945

 

Đã 72 năm trôi qua nhưng mỗi khi mùa Thu về, cảm xúc về ngày 2-9, với hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong lòng những người từng chứng kiến giây phút trọng đại ấy nói riêng và lớp lớp người con đất Việt không khỏi bồi hồi xúc động. Bởi đó chính là khoảnh khắc thiêng liêng chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới do nhân dân làm chủ sứ mệnh của mình: Độc lập-tự do và hạnh phúc.

 

 

Vườn hoa Ba Đình trong ngày 2-9-1945.

 

Mặc dù còn nhỏ nhưng một trong những người từng được chứng kiến giây phút ấy, CCB Trần Quốc Hanh, Đại tá, nguyên Hiệu phó Chính trị Trường Trung-Cao Không quân ở quận Thanh Xuân kể lại: Năm 1945, tôi mới 11 tuổi, không đến Ba Đình nhưng được tham gia Mít tinh tại vườn hoa Thị xã Hà Đông và được nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập qua truyền thanh. Vì còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của Bản tuyên ngôn nhưng rất vui, náo nức và biết rằng Việt Nam chính thức tuyên bố là một nước Độc lập, Việt Nam là của người Việt Nam. Lúc đó mọi người rất sôi sục, luôn hô to khẩu hiệu “Việt Nam Độc lập muôn năm”. Đứng trong đội Hướng đạo sinh Đống Đa tại Mít tinh của Thị xã, tôi rất sung sướng và hô rất hăng hái”.

Còn ông Lý Văn Lục, khi ấy 16 tuổi, đang sống cùng gia đình gần Hàng Buồm (hiện sống tại nhà số nhà 2, dãy E3, khu Tổ dân phố 8, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), khoảnh khắc ấy của ông lại là: “Tôi nhớ có một lần ra chỗ phố hàng Chiếu thấy bọn Nhật tra tấn dã man một người của ta. Còn ít tuổi chứng kiến cảnh đó, tôi rất sợ và ghét bọn Nhật, Pháp, thế nên ngày 19-8, khi thấy nhân dân và các đoàn thể nườm nượp đi giành chính quyền, tôi thấy rất vui và đi theo để xem chứ thực ra chưa hiểu hết. Ngày 2-9, tôi cùng Thiếu nhi ở khu phố cũng kéo nhau về Quảng trường Ba Đình nhưng chúng tôi không vào được khu vực Mít tinh. Ấn tượng của tôi khi ấy là không khí rất rầm rộ, nhân dân ai cũng phấn khởi”.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng khẳng định: “Sự kiện 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và xác lập nền Dân chủ Cộng hòa không chỉ chấm dứt chế độ đô hộ của phát xít, của thực dân Pháp mà chấm dứt luôn cả chế độ phong kiến. Sự kiện này đưa đất nước Việt Nam sang một thời kỳ lịch sử mới với nền tảng là nền dân chủ cộng hòa để từ sức mạnh của quốc gia độc lập ấy, chúng ta tiếp tục những cuộc kháng chiến giữ nước sau này”.

Hoặc Giáo sư George Michael (người Mỹ) cũng từng nói: Ở tầm quốc tế, sức ảnh hưởng của sự kiện Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945  là vô cùng lớn. Sự kiện này như là một hình mẫu cho các quốc gia bị thực dân đô hộ. Tôi cho rằng việc Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 đã truyền cảm hứng cho các nước cũng phải chịu sự áp bức của chế độ thực dân. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam có một niềm tự hào đặc biệt trước sự kiện này vì họ đã giành được độc lập trước tất cả các quốc gia tại khu vực này trong thời gian sau thế chiến thứ II”

Thật vậy, Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2-9-1945 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do và hạnh phúc. Kể từ đây, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

 

 CCB Trần Quốc Hanh nhấn mạnh: Có Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9, bản thân tôi nói riêng và các đồng chí, đồng đội nói chung mới có cuộc sống, chiến đấu, phục vụ đất nước vẻ vang và có ý nghĩa tốt đẹp như những năm qua. Càng nghĩ, tôi càng thấm thía việc có được độc lập khó khăn, phức tạp, gian khổ như thế nào. Đất nước trong giai đoạn phát triển quan trọng, các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá, đôi lúc tôi cũng lo lắng nhưng vẫn luôn tin rằng, dân ta, nước ta với tinh thần yêu nước, yêu xã hội dân chủ, công bằng, văn minh nhất định sẽ vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt, xây dựng đất nước ta ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh hơn”.

72 năm trôi qua, giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo đã, đang và vẫn mãi trường tồn. Đó chính là mốc son, là động lực to lớn để thế lớp lớp người dân đất Việt, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi mãi mãi khắc ghi, không ngừng ra sức học tập và rèn luyện để cùng nhau chung sức xây dựng một nước Việt Nam ngày một to đẹp và đàng hoàng hơn.

 

Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ