A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người chiến sĩ Quyết tử năm xưa

 

Chúng tôi có mặt tại nhà Đại tá Trần Danh Hoà, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Cục phó Cục Tham mưu, Binh đoàn 11 trong không khí cả nước đang thi đua chào mừng kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9. Mặc dù đã 91 tuổi nhưng Đại tá Trần Danh Hoà vẫn minh mẫn và trong câu chuyện, hồi ức của mình, ông vẫn nhớ từng chi tiết những ngày tham gia cách mạng.

 

 

Đại tá Trần Danh Hoà (ngồi ngoài cùng bên trái) kể về những ký ức của một thời hào hùng.

 

Đại tá Trần Danh Hoà sinh ra tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhưng từ nhỏ gia đình ông sống tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Lớn lên, đi học và đang làm tại Sở Trước bạ Văn tự (từ Pháp chuyển qua Việt Nam, Bộ Tài chính, tại Lý Thái Tổ) nhưng chứng kiến cảnh đàn áp dã man của quân Pháp, Nhật với người dân Việt Nam, đặc biệt là thấm thía nỗi nhục của người nô lệ nên ông và những thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ rất muốn cầm súng đánh giặc.

 

Năm 1945, ông tham gia Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là hoạt động bí mật, rải truyền đơn và theo dõi bọn phản động, vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật. Ông kể: “Thời điểm đó phức tạm lắm, chúng tôi không chỉ đối phó với kẻ thù, mà còn với cả bọn phản động trong nước. Trong ngày 2-9-1945, tôi được tham dự Lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Chúng tôi đến rất sớm. Quá trình tham gia cách mạng, tôi biết Bác Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc nhưng đó là lần đầu tiên đôi được thấy Bác. Xúc động nhất là khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hôm đấy ai cũng phấn khởi”.

Đội Tự vệ chiến đấu (TVCĐ) cứu quốc Hoàng Diệu được Thành ủy Hà Nội tổ chức và lãnh đạo ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị bộ đội địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội. Ông Hoà khi ấy được phân công ở khu vực Lý Thái Tổ và Hàng Vôi.

Khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra, ông Trần Danh Hoà tham gia vào đội ngũ của các chiến sĩ quyết tử Liên khu 1 Hà Nội và tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu cho đến khi được lệnh rút ra khỏi Thủ đô. Ông nhớ lại: “Khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Việc chuẩn bị của tự vệ chiến đấu của khu Hoàn Kiếm rất khẩn trương, tích cực. Chúng tôi tổ chức tập luyện quân sự, chuẩn bị vũ khí sẵn sàng tất cả các phương án chiến đấu ở khu phố; khoan các cây để đặt mìn, bố trí chướng ngại vật ở khu vực Lý Thái Tổ và Hàng Vôi, chuẩn bị các ụ súng và phối hợp chiến đấu… Tất cả đều sẵn sàng đợi lệnh, nổ súng vào thực dân Pháp.

 

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của trên, đúng 20 giờ tối ngày 19/12/1946, đèn điện toàn Thành phố phụt tắt, đại bác ở Pháo đài Láng nổ, quân và dân Thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, trong đánh, ngoài vây. Lúc đó, chúng tôi triển khai ra các ụ chiến đấu khu vực Lý Thái Tổ, Hàng Vôi, đào đường, ngả cột đèn, làm đổ cây, tạo chướng ngại vật.

Không khí lúc đó sục sôi và cũng rất khẩn trương. Khi ấy tôi làm cán bộ của tự vệ Thành Hà Nội, thuộc Liên khu 1, trực tiếp ra các ụ chiến đấu. Những ngày đầu, đội của chúng tôi chiến đấu ở khu vực gần Nhà Ngân hàng Trung ương, phối hợp với một số bộ phận chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ. Tôi trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức chướng ngại vật ở khu vực đó, người nào, việc lấy, mục đích dốc hết sức ngăn chặn những mũi tiến quân của địch, yểm trợ cho các tổ chiến đấu ở Nhà Ngân hàng Trung ương, Bắc bộ phủ, Nhà hát Lớn… Sau đó, chúng tôi rút về Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Gai, gia nhập B2-Khu vực Hàng Bồ, Hàng Thiếc, Hàng Da và chốt ở khu vực đó. Chúng tôi đã đánh chặn và đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của địch từ trong Thành đánh ra.

 

Sau 60 ngày đêm, Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội. Chúng tôi đi theo một con đường riêng, đi qua đê ở khu vực Cột đồng hồ cũ ra bờ sông Hồng, đi dọc bờ sông,  qua cầu Long Biên, lên Tứ Tổng, được nhân dân dùng thuyền đưa qua bãi giữa sang bên kia Đông Anh. Từ đó chúng tôi bắt đầu một giai đoạn mới, xây dựng lực lượng tham gia các cuộc chiến đấu tiếp theo. Sau khi rút khỏi Thủ đô, tôi tiếp tục tham gia 15 chiến dịch.

Đến ngày 10/10/1954, đơn vị chúng tôi lại được về tiếp quản Thủ đô. Khi đó tôi thuộc quân số của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô). Chúng tôi trở về với tâm thế rất phấn khởi, đúng như lời thề trước khi rời Thủ đô là “Trở lại Thủ đô để giải phóng Thủ đô”. Đơn vị tôi đi theo hướng Cầu Giấy, về tập kết ở chùa Láng, rồi được phân công tỏa về để tiếp quản ở các khu phố. Tôi quay về Hàng Bồ, Hàng Bún, Hàng Thiếc nơi mình từng chiến đấu. Tâm trạng lúc đó hết sức xúc động. Không khí cách mạng của nhân dân khi đó giống như ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ùa ra suốt hai bên đường đón tiếp chúng tôi. Không khí thực sự phấn khởi và cảm động.

Khi về hưu, Đại tá  Trần Danh Hòa vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội với 4 năm liền là Bí thư chi bộ, 4 năm là Tổ trưởng Tổ dân phố. Giờ đây, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn sống vui, sống khoẻ, sống có ích, giáo dục con cháu không ngừng rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

 

N.Mỹ-T.Hà (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ