A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Anh hùng với hai cuộc kháng chiến

 

Chúng tôi gặp Đại tá-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hỷ, nguyên Trưởng phòng Huấn luyện Nhà trường Quân chủng Phòng không-Không quân tại ngôi nhà của ông ở phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ở tuổi 83, ông khiến chúng tôi thực sự cảm phục bởi trí nhớ và sự minh mẫn khi kể về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

 

 

Bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.

 

Kỷ niệm mùa Thu cách mạng

Sinh năm 1935, tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, lúc đấy Đại tá Lê Hỷ mới 10 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in hình ảnh người dân địa phương bắt bọn quan lại đưa đi. Ông và đám bạn cùng trang lứa chạy theo để xem nhưng chưa hiểu ý nghĩa chính trị của việc này. Sau đó không lâu, ông tham gia Đội thiếu nhi của địa phương, chủ yếu đi hát, đóng kịch kêu gọi sự ủng hộ lương thực, vật chất của bà con cho cách mạng. Ông kể: “Thời điểm đó thông tin không được như bây giờ. Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày hôm trước tại Quảng trường Ba Đình thì hôm sau chúng tôi mới nghe tin. Lúc ấy ai cũng vui sướng và nhất nhất đi theo ủng hộ cách mạng.

 

 

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hỷ.

 

Tháng 1/1954, tôi chính thức nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 246, tham gia đánh Pháp ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ở khu vực phía Tây Bắc lúc ấy rất phức tạp. Pháp tìm mọi cách lôi kéo, huấn luyện người dân vùng đồng bào dân tộc khu Tây Bắc, Việt Bắc để làm hậu phương cho chúng (thường gọi là thổ phỉ), quấy rối quân ta. Vì vậy, Trung đoàn của tôi được lệnh hành quân từ Vĩnh Phúc (tháng 8/1954) đánh thổ phỉ ở Lào Cai. Đánh phỉ rất gian khổ, vì chúng là người được Pháp đài thọ, tuồn cho rất nhiều vũ khí. Ban ngày chúng sinh hoạt như bình thường nhưng đêm đến vào rừng lấy vũ khí bắn vào quân ta. Vì vậy mình phải tuyên truyền rất tích cực, dần dần họ mới hiểu và đến năm 1956 tình hình mới ổn.

Ngày 10/10/1954, chúng tôi đang chiến đấu tại khu vực phía Bắc, khi được tin giải phóng Thủ đô, các cánh quân của ta tiến về Hà Nội, chúng tôi, nhất là anh em người Hà Nội vô cùng sung sướng. Ai cũng phấn khởi, một số anh em quê Hà Nội còn được nghỉ phép, niềm vui ấy như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hăng hái công tác và chiến đấu.

 

Chiến công bắn rơi B52 đầu tiên

Tôi ở bộ đội tên lửa từ năm 1965 (từ khi có tên lửa), lúc ấy là Trung đoàn 238-Tên lửa, chiến đấu bảo vệ tuyến khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Khi có lệnh, chúng tôi hành quân một mạch vào chiến trường Nghệ An (ở khoảng 3-4 tháng, đánh một số trận và cũng bắn rơi vài máy bay). Năm 1966, đơn vị được điều thẳng vào chiến trường Quảng Trị (Vĩnh Linh). Khi đó ở Vĩnh Linh, Mỹ đánh rất ác liệt. Người dân, nhà cửa không còn, chủ yếu ở dưới hầm và địa đạo. Đến địa đạo Vĩnh Linh mới hiểu được vì sao dân lại sống được ở mảnh đất mà chiến tranh ác liệt và tàn khốc đến như vậy. Thời điểm đó, B52 của Mỹ đánh liên tục, theo giờ và quy luật nhất định. Vì vậy, bộ đội Tên lửa của chúng tôi vào đó chủ yếu để nghiên cứu đánh B52. Ngày 17/9/1967, Trung đoàn bắn rơi được chiếc B52 đầu tiên. Anh em phấn khởi vô cùng. Cuối cùng thì anh em tôi đã làm được mong muốn của Bác Hồ. Sau này, khi nhận được báo cáo gửi lên, Bác đã viết thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh. Sau khi hạ được B52, khí thế chiến đấu lên càng cao”.

 

Ông Hỷ nhớ lại: “Lúc đó gần 16 giờ, được lệnh của mặt trận cho bộ đội Tên lửa vào báo động cấp 1, SSCĐ, thông báo B52 hoạt động. Tất cả anh em tổ chức hiệp đồng. Đài quan sát cách trận địa của chúng tôi chừng 300m. Khi đài quan sát phát hiện có tín hiệu B52 thì  đưa trực tiếp tín hiệu từ Vi-cô của đài quan sát sang Vi-cô của Tiểu đoàn trưởng bên xe điều khiển trận địa Tên lửa. Theo dõi, đến cự ly 45km, Tiểu đoàn trưởng cho báo động cấp 1-toàn bộ vào vị trí chiến đấu. Đến cự ly 40km, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho tôi (lúc đó là Sỹ quan điều khiển) mở máy phát sóng của đài điều khiển, bật ăng ten thu tín hiệu trên không. Đến cự ly 36km, nhiễu yếu dần nên mình phát hiện mục tiêu rõ hơn. Đến cự ly 33km, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tiêu diệt. Tôi lập tức phóng 2 quả tên lửa (cách nhau 6-7 giây). Khoảng 45 giây thì tên lửa gặp mục tiêu và nổ. B52 trúng tên lửa. Sau đó, trên công nhận ta bắn được B52 đầu tiên. Cả trận địa nhảy lên ăn mừng, khi ấy chừng 17 giờ. Đồng chí Chính trị viên vẫn quán triệt, tất cả phải chuẩn bị tinh thần để đánh tiếp.

 

Trận ngày 17-9, Trung đoàn 238 mà Tiểu đoàn 82 của chúng tôi là kíp chiến đấu chủ yếu đã lần đầu tiên trong lịch sử bắn hạ được B52 của Mỹ. Đúng ngày 22-12, đơn vị lại bắn rơi thêm 1 chiếc B52. Ở Vĩnh Linh, ta đã bắn rơi được 6 máy bay B52, trong đó tôi tham gia bắn được 4 chiếc.

Năm 1971, khi đó tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238-Tên lửa (lúc này thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân), đơn vị tôi hành quân sang chiến trường Lào, cũng là để nghiên cứu đánh B52. Nhưng sang đến nơi, lại được lệnh quay về. Sau đó tôi được gọi về Quân chủng Phòng không-Không quân, được giới thiệu đi học ở Liên Xô. Năm 1976 về công tác tại đây cho đến khi về hưu là 1990”.

Về với đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Lê Hỷ tiếp tục tham gia các công tác xã hội, là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố. Trong sinh hoạt đời thường, ông luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo, đồng thời tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân địa phương. Ông không chỉ sống khoẻ, sống vui mà luôn sống có ích cho xã hội.

 

Hiền Mĩ-Thế Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ