A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

70 năm “Cuộc rút quân thần kỳ” đưa Trung đoàn Thủ đô qua sông

 

Cách đây 70 năm, quân dân Tứ Tổng nay là phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) phối hợp với quân dân Tàm Xá, Xuân Canh (nay thuộc huyện Đông Anh) đã huy động hơn 40 chiếc thuyền Tam Ban đưa toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, vũ khí trang bị của Trung đoàn Thủ đô vượt qua sông Hồng an toàn, rút quân lên Chiến khu Việt Bắc, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhân dịp này, để ôn lại chiến công và giáo dục tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân, LLVT phường, Đảng ủy, HĐND, UBND phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm “Cuộc rút quân thần kỳ” đưa Trung đoàn Thủ đô qua sông Hồng (17/2/1947- 17/2/2017).

 

 

Lãnh đạo quận Tây Hồ gặp mặt, tặng quà các gia đình có liệt sĩ chở đò đưa bộ đội Trung đoàn Thủ đô qua sông.

 

Khúc tráng ca mở đầu Toàn quốc kháng chiến của quân dân Thủ đô lại ngân vang trong không khí buổi lễ. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đáp lời kêu gọi của Người, cán bộ và nhân dân Tứ Tổng đã gấp rút tích cực chuẩn bị kháng chiến. Khi Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, đội tự vệ, du kích Tứ Tổng đã tổ chức tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, chuyển tải cứu chữa thương, bệnh binh, phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu, củng cố xây dựng tường lũy ngăn chặn, giam chân địch trong Thành phố suốt 60 ngày đêm. Trong đêm 17/2/1947, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng chỉ huy Khu ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Khu 11, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi vòng vây quân thù để bảo toàn lực lượng. Đêm 18/2/1947, được lệnh khẩn cấp, quân dân Tứ  Tổng nhanh chóng huy động hơn 40 chiếc thuyền Tam Ban, đã bí mật chở 1.200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, cùng trang bị vũ khí vượt qua sông Hồng rút lên chiến khu an toàn.

 

Rạng sáng ngày 19/2/1947, khi trời đã sáng, vẫn còn một tiểu đội chưa qua sông. Nếu tiếp tục đưa bộ đội qua sông lúc này là rất nguy hiểm, song với tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ không để sót lại bất cứ ai, ông Nguyễn Văn Giai, ông Lê Văn Diệu, ông Trần Đức Hán đã dũng cảm nhận nhiệm vụ chở chuyến đò cuối cùng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường quay về, thuyền của các ông bị địch phát hiện, chúng xả súng điên cuồng vào con thuyền bé nhỏ đó. Các ông Nguyễn Văn Giai, Lê Văn Diệu đã anh dũng hy sinh.

 

Sau khi phát hiện ra Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I, địch đã tổ chức lực lượng truy tìm và càn quét đánh phá vào Tứ Tổng. Sáng ngày 19/ 2/1947, với ý chí kiên cường, quân dân xã Tứ Tổng đã dũng cảm chiến đấu. Tuy chưa được trang bị vũ khí, song lợi dụng sự thông thạo địa hình, đội du kích xã Tứ Tổng phối hợp với Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại mưu trí, dũng cảm, kìm giữ, đánh lạc hướng quân địch. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy 27 người con ưu tú của Tứ Tổng và 8 chiến sĩ Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại đã anh dũng hy sinh. Giặc Pháp đốt cháy hàng trăm nóc nhà, phá hủy hơn 40 chiếc thuyền. Từ đó, ngày 29 tháng Giêng hàng năm trở thành “Ngày Giỗ trận” của nhân dân Tứ Liên.

 

Công lao của đội tự vệ và nhân dân các xã ven sông Hồng trong cuộc rút quân huyền thoại của Trung đoàn Thủ Đô năm xưa đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, cán bộ và chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô và riêng bản thân tôi không bao giờ quên công lao đồng bào chiến sĩ Tứ Liên, Ngọc Thụy đã dùng thuyền đưa các chiến sĩ quyết tử Hà Nội an toàn vượt khỏi vòng vây quân Pháp trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc (tháng 2 năm 1947) và sau đó đã anh dũng chống lại trận càn quét khốc liệt của giặc. Đồng bào và chiến sĩ Tứ Tổng hãy phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, dũng cảm và thông minh, sáng tạo xây dựng quê hương giàu đẹp theo con đường Bác Hồ đã chọn”.  

 

Trong buổi Lễ kỷ niệm 70 năm “Cuộc rút quân thần kỳ”,  gặp mặt thân nhân các gia đình có liệt sĩ tham gia lái đò đưa bộ đội qua sông, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng chiến công mà quân dân Tứ Tổng năm xưa đã làm nên mang ý nghĩa hết sức quan trọng, đã để lại cho hậu duệ niềm tự hào sâu sắc. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục dành tình cảm, tâm huyết, cống hiến, tuyên truyền để phát huy những giá trị lịch sử ấy, chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa,  xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh ở địa phương, xứng danh đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ