A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mãi mãi xứng đáng Trung đoàn Thăng Long-Đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân

 

Trung đoàn 48-Trung đoàn Thăng Long được thành lập ngày 27/2/1947 theo Quyết định của Bộ Quốc phòng tại làng Ái Mỗ, Mậu Lương, Sơn Tây. Tiểu đoàn 77, 145, 523 long trọng làm lễ thành lập Trung đoàn 80-tiền thân của Trung đoàn 48, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy và Chỉ huy trưởng Khu 2. Các đơn vị tiền thân của Trung đoàn ở Hà Nội gồm các Tiểu đoàn 145, 523, 77, cùng một số đơn vị khác đã chiến đấu đầy quả cảm "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" ngay trên đường phố Hà Nội như  nhà Dầu, nhà Seo, nhà Tiền, những trận đánh oanh liệt bảo vệ bản doanh Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, những trận đánh địch ở ngã tư Khâm Thiên, Ô Cầu Dền, đánh địch ở khu vực Yên Phụ, Quần Ngựa, Kim Mã...trên mảnh đất Anh hùng Liên khu 2, Liên khu 3.

 

 

Ban chỉ huy Trung đoàn 48 trong trận tiêu diệt căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975.

 

Những trận đánh của Trung đoàn 48 đã đập tan âm mưu ảo vọng của địch hòng xóa sổ Thủ đô và cơ quan Trung ương của ta trong vòng 24 tiếng đồng hồ, góp phần cùng Trung đoàn Thủ đô làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Với thành tích này, Trung đoàn 48 vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung đoàn Thăng Long” và từ ngày 16/01/1951, Trung đoàn 48 vinh dự được đứng trong đội hình Đại đoàn 320A.

 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung đoàn đã bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt, cam go với kẻ thù, giành, giữ từng tấc đất, từng căn nhà của Thủ đô. Danh hiệu Trung đoàn 48-Thăng Long cũng gắn bó với Trung đoàn từ đó tới nay. Vừa chiến đấu giỏi, vừa làm tốt công tác vận động nhân dân như ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Sơn Tây, Hà Đông..., Trung đoàn được Bác Hồ khen tặng 4 chữ vàng “Giúp dân đánh giặc”. Trong những chiến dịch, đơn vị luôn được Đại đoàn giao nhiệm vụ trên hướng chủ yếu, như hai lần đánh vào Phát Diệm, luồn sâu vào vùng địch hậu ở Nam Định, Thái Bình. Với những chiến công vang dội ở Phố Nối, Vật Lại, Vân Phú, Kim Bí, Thanh Lũng, Phát Diệm, La Cao, Cầu Gai, Yên Vĩ, Sùng Cạn, Thượng Tổ, Đông Biên ..., Trung đoàn vinh dự được tặng danh hiệu Trung đoàn Thăng Long; Trung đoàn “Giúp dân đánh giặc”; Trung đoàn quán quân Liên Khu; các tiểu đoàn được tặng danh hiệu Đống Đa, Thanh Lũng, Tiên Yên. Trung đoàn cũng được tặng thưởng hàng trăm huân chương các loại. Có 3 đồng chí được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là: Nguyễn Phú Vị, Đỗ Văn Châu, Nguyễn Văn Thành. Trung đoàn 48-Thăng Long lần đầu tiên tạc một mốc son lịch sử tại Thủ đô Hà Nội, nền tảng để Trung đoàn trưởng thành, chiến thắng, đánh thắng các kẻ thù, lập công xuất sắc sau này.

 

Cuối năm 1967, đoàn cán bộ của Trung đoàn do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sơn và Chính ủy Nguyễn Chuyển vào Mặt trận B5. Sau đó, tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, Trung đoàn làm lễ xuất quân lên đường đánh Mỹ. Nơi đến đầu tiên là vùng rừng núi Vĩnh Linh, lũy thép kiên cường địa đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn đã phối hợp với quân dân miền Nam đồng loạt tiến công. Đúng 1 giờ ngày 02/2, tức ngày 01 Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 1 và các lực lượng phối thuộc tấn công huyện lỵ Cam Lộ.

 

Trung đoàn 48-Thăng Long cùng với Trung đoàn 52 mở rộng chiến trường xuống Đông đường số 1 tam giác Đông Hà, Quán Ngang, Cửa Việt. Đánh cắt đường bộ, luồn sâu vào các khu vực phòng ngự then chốt, chia cắt địch, buộc chúng phải đưa lực lượng ra đối phó, tạo thời cơ để ta tiêu diệt. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn vượt qua khó khăn, ác liệt, bám thắt lưng Mỹ mà đánh. Với khí thế thi đua giết giặc lập công, Tiểu đoàn 3 vận động tấn công quân Mỹ đồng loạt xuất kích trên bãi cát dài Cửa Việt. Từ nhiều mũi, nhiều hướng, quân ta nhanh chóng chia cắt quân địch, đồng loạt xông lên dồn địch xuống mép nước để tiêu diệt. Ta đã đánh thiệt hại nặng 2 Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên.

 

Chiến thắng Cửa Việt- Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự trưởng thành của Trung đoàn. Chiến đấu và chịu đựng ác liệt của pháo đài bay B-52 rải thảm, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn viết tiếp trang  sử, mốc son chói lọi trong đánh Mỹ, dám đánh Mỹ, đánh và thắng Mỹ, mở ra trang sử mới trong chặng đường dài đánh Mỹ-Ngụy và chiến thắng chúng. Trung đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng Ba; Tiểu đoàn 1 được tặng danh hiệu "Dũng sĩ kiên cường đánh giỏi, diệt gọn”; Tiểu đoàn 3 được tặng danh hiệu “Anh dũng diệt Mỹ”; Trung đoàn được tặng danh hiệu “Thành đồng Quyết thắng”. Một lần nữa, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã làm nên mốc son đánh Mỹ và thắng Mỹ.

 

Sau năm 1968, Trung đoàn ra Bắc củng cố, rút kinh nghiệm. Cuối năm 1970, Trung đoàn có lệnh lên đường sang Lào. Vào khoảng 20/01/1971, trên đất bạn Lào, Trung đoàn tập trung khắc phục bệnh tật, nhất là sốt rét. Sau đó, Trung đoàn có lệnh phối hợp với bạn tiến công địch trên tuyến phòng thủ Pha Lan-Xê Xằng Soi giành dân, bảo vệ dân, mở rộng và bảo vệ vững chắc hành lang vận chuyển chiến lược khu vực Mường Phin. Tháng 11-1970, Tiểu đoạn 3 tiêu diệt Tiểu đoàn Cá Trắng tại bản Na Pô, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn này và đánh bại ý đồ đánh chiếm Mường Phìn, Xê Ta Mốc, bảo vệ nhánh đường 128B, nằm trong ý đồ thâm hiểm của Mỹ-Ngụy trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 sau đó. Sau trận này, Tiểu đoàn 3 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. 

Ngày 28/01/1973, thi hành Hiệp định Paris được ký kết, Trung đoàn đã tập trung xây dựng cơ sở địa bàn vững mạnh, ra sức đẩy mạnh sản xuất tự túc để cải thiện đời sống bộ đội. Tháng 8/1973, trước tình hình địch cố tình phá hoại Hiệp định Paris, Trung đoàn kiên quyết phản công, tiến công địch lấn chiếm, đẩy chúng vào thế bị động. 

 

Trung đoàn 48-Thăng Long tự hoàn thiện lại thế trận bảo vệ vùng giải phóng cùng các đơn vị bạn, đánh bại âm mưu, hành động lấn chiếm của địch. Trung đoàn đã trưởng thành lớn mạnh trong thế trận chiến tranh nhân dân bách chiến, bách thắng.

Ngày 29/4/1975, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48- Thăng Long có mặt tại Sài Gòn-Gia Định, mở cánh cửa thép hướng Tây Bắc-Sài Gòn để Quân đoàn 3 tiến vào cùng làm chủ thành phố mang tên Bác. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng cực kỳ anh dũng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch. Với chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được nhân dân giúp đỡ, trung thành với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, với chủ nghĩa xã hội, luôn xác định đúng đắn mục tiêu chiến đấu vì nhân dân, dựa vào dân để chiến đấu, vinh dự cho Trung đoàn có Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 và 3 cá nhân: Nguyễn Như Hoạt, Bế Văn Thành, Vũ Thanh Sơn  được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ngày 12/9/1975, Trung đoàn 48-Thăng Long được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài một phần tư thế kỷ. Đất nước hòa bình, hai miền Nam-Bắc thống nhất, cùng bắt tay xây dựng đất nước giàu mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Trước âm mưu và hành động leo thang cực kỳ nghiêm trọng của Pôn Pốt, tháng 9/1977, Trung đoàn 48 và các đơn vị trong Sư đoàn 320 được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Những năm tháng nhận nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Trung đoàn 48 nằm trong đội hình Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 đã trực tiếp chiến đấu trên nhiều miền đất nước Chùa Tháp, lập nên nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao. Có trận đấu nay vẫn đọng lại trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, là trận vận động thọc sâu bằng xe cơ giới đánh vào Sở chỉ huy Quân khu 203 ở Suông- Chúp. Chiến công trong chiến dịch của Đường 7, Trung đoàn 48 không chỉ nói lên tinh thần chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu trên giao, mà còn tỏ rõ sức mạnh mới của trận đánh hiệp đồng bộ binh cơ giới. Lần đầu tiên cán bộ, chiến sĩ  Trung đoàn đạt tốc độ tiến công cao nhất với thời gian ngắn nhất trong lịch sử xây dựng, chiến đấu của mình. Đầu năm 1979, chiến thắng trên mặt trận Đường số 3 và khu vực Tượng Lăng-Tích Nin tiếp tục khẳng định sự vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật tập kích, phục kích, vận động tấn công của các đơn vị trong Trung đoàn. Quá trình tác chiến, cán bộ, chiến sĩ D1-D2-D3 đã biết kết hợp chặt chẽ tiến công chính điện, luồn sâu, bao vây, thu hút tiêu diệt địch.

 

Trung đoàn liên tục chiến đấu suốt ngày đêm, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, với bất cứ hình thức tác chiến nào cũng giành thắng lợi. Phát huy truyền thống "giúp dân đánh giặc", trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn với tấm lòng thương yêu nhân dân bạn như người thân của mình, mặc dù hoạt động ở rừng sâu, khó khăn trong tiếp tế  nhưng cán bộ, chiến sĩ đều tự nguyện nhường lương thực mang theo để cứu đói nhân dân  nước bạn, tổ chức đưa người kiệt sức về phía sau cứu chữa...

 

Ghi nhận công lao của Trung đoàn 48-Thăng Long trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia với truyền thống "Giúp dân đánh giặc" trong hoàn cảnh đầy khó khăn, cán bộ, chiến  sĩ Trung đoàn 48-Thăng Long một lần nữa đã cùng nhau tạc một mốc son chói rực mới trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đặc biệt làm nhiệm vụ quốc tế cứu nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Ngày 20/12/1979, Trung đoàn vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh lùng LLVT nhân dân.

 

Suốt 70 năm chiến đấu và xây dựng, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48-Thăng Long đã không quản hy sinh, gian khổ, không tiếc xương máu để có được những mốc son lịch sử chói sáng như "Trung đoàn giúp dân đánh giặc", Trung đoàn hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, hàng trăm Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có được thành tích xuất sắc của các chặng đường lịch sử 70 năm là các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn để thấm nhuần sâu sắc sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của quân dân Hà Nội "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Luôn nhận thức sâu sắc mục tiêu chiến đấu vì nhân dân, dựa vào dân để chiến đấu. Nêu cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế. Không ngừng trung thành với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và Bác Hồ. Tinh thần chấp hành mệnh lệnh, sẵn sàng hy sinh quyết hoàn thành nhiệm vụ.

 

Ngày nay, trong tình hình mới, Trung đoàn 48 đứng chân trong đội hình Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trung đoàn với nhiệm vụ mới: Trung đoàn bộ binh cơ giới làm nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng chính quy, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của kẻ địch, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cùng với Đảng bộ, nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa bàn Tây Nguyên vững chắc về chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Làm tốt công tác vận động nhân dân xây dựng địa bàn trong sạch, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân. Các thế hệ cựu chiến binh Trung đoàn 48-Thăng Long mãi giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn nêu gương sáng cho các thế hệ trẻ và con cháu, tự bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, ý chí sắt thép, trung thành với mục tiêu chiến đấu của quân đội ta.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trung đoàn, mỗi chúng ta được ôn lại truyền thống hào hùng của Trung đoàn và chợt da diết nhớ những tháng ngày chiến đấu ác liệt, những đồng đội ra đi mãi mãi không về. Chúng ta tự hào được đứng trong đội ngũ kháng chiến thần kỳ ngày ấy. Mãi mãi là người lính của Trung đoàn "Giúp dân đánh giặc”-Trung đoàn Thăng Long.

 

Đại tá Đào Xuân Sy


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ