A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, giữ vững tính Đảng, công minh, chính xác”

QPTĐ- Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, xác định kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.

Cán bộ, nhân viên Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư lệnh 

không ngừng học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thực hiện Sắc lệnh số 60/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11/5/1946, Bộ Quốc phòng ra Nghị quyết số 27/NQ-QP về tổ chức Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. 

Trong Cục Chính trị có Ban Thanh tra, làm cả nhiệm vụ công tác cán bộ và công tác kiểm tra, kỷ luật. Tháng 2/1947, Hội nghị cán bộ chính trị lần thứ nhất bàn về kiến lập chế độ công tác chính trị trong Quân đội đã ra quyết định lập Phòng Kiểm tra trong Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Ban kiểm tra trong Phòng Chính trị cấp Khu, Tiểu ban Kiểm tra ở cấp Trung đoàn. Các Phòng, Ban và Tiểu ban kiểm tra do 1 cấp ủy viên cùng cấp phụ trách, giúp cấp ủy thực hiện công tác kiểm tra và kỷ luật.

Trước tình hình, xu thế cách mạng ngày càng phát triển, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu về mọi mặt của Đảng trong Quân đội, Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ ba (từ ngày 12 đến 15/6/1947) đã quy định  những vấn đề về tổ chức và quyền hạn của cơ quan công tác chính trị; trong đó, tách Phòng Kiểm tra khỏi Cục Chính trị, chuyển về đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Chỉ huy. Ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 119/SL chuyển Phòng Kiểm tra của Bộ Tổng Chỉ huy thành Cục Tổng Thanh tra Quân đội.

Như vậy, từ ngày đầu thành lập đến trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng bộ Quân đội chưa thành lập Ủy ban kiểm tra các cấp. Công tác kiểm tra do cấp ủy (có thời kỳ là Chính ủy) thực hiện. Nhưng từ khi có cơ quan chính trị, cơ quan chỉ huy các cấp, Tổng Quân ủy (sau này là Quân ủy Trung ương) đã tổ chức Phòng, Ban, Tiểu ban Kiểm tra giúp cấp ủy tiến hành công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật. 

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Quân ủy, sự chỉ đạo của Ban Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra đã thực hành kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến… Có thể khẳng định, công tác kiểm tra và việc giữ gìn kỷ luật của Quân đội thời kỳ này đã góp phần quan trọng xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh, đánh bại thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trước yêu cầu đòi hỏi của cách mạng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 13/11/1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 30-NQ/TW về một số vấn đề về tổ chức Đảng trong Quân đội. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Cần tổ chức Ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng trong Quân đội theo hệ thống dọc từ Quân ủy Trung ương đến cấp Trung đoàn và tương đương. Từ đó, ngày 13/11/1961 đã đi vào lịch sử của ngành và trở thành Ngày truyền thống của Ngành kiểm tra trong Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 28/11/1961, Tổng cục Chính trị trình Quân ủy Trung ương Tờ trình số 129/HM đề nghị thành lập Ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng trong Đảng bộ Quân đội. 

Chỉ sau 3 tháng, Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, Ủy ban kiểm tra từ cấp Quân khu đến cấp Trung đoàn trong toàn quân đã được thành lập. Để thống nhất về tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp, ngày 13/10/1979, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Quy định số 352/QU-TW về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Quân đội… Đây là sự phát triển về tổ chức của ngành Kiểm tra Đảng trong Đảng bộ Quân đội. 

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra các cấp có đổi mới là: “Kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) chấp hành Điều lệ Đảng, nhằm vào việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, tư cách đảng viên”…(từ Đại hội V về trước chỉ kiểm tra những đảng viên vi phạm). Khi kiểm tra phải kết luận là chấp hành tốt, chưa tốt hay vi phạm (nếu có).

Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đóng góp quan trọng xây dựng Đảng bộ Quân đội và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, góp phần cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Với những thành tích đạt được, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp và hàng ngàn lượt cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra trong Đảng bộ Quân đội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Phát huy truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng trong Quân đội: “Trung thành vô hạn, giữ vững tính Đảng, công minh, chính xác”, những năm qua, cán bộ, nhân viên Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn giữ vững nguyên tắc trong công tác, nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc, mẫu mực trong lời nói và hành động, có tinh thần kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai trái, tiêu cực. 

Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Bộ Tư lệnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang và yêu cầu xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh, tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những nhiệm vụ khó khăn, những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực nhằm khắc phục những khâu yếu, mặt yếu của các cơ quan, đơn vị, quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm. 

Việc xem xét, xử lý kỷ luật được tiến hành chặt chẽ, đúng phương hướng, phương châm, quan điểm, quy trình; xử lý nghiêm minh, nhưng bảo đảm thận trọng, khách quan, có lý, có tình, đúng người, đúng mức độ khuyết điểm, không để trường hợp nào khiếu nại về kỷ luật. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã giúp cho cán bộ, đảng viên khắc phục kịp thời những biểu hiện lệch lạc về nhận thức, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống; chủ động phòng ngừa các vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, đủ sức lãnh đạo lực lượng vũ trang Thủ đô hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Đức Trọng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ