Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Phùng Thế Tài
Thượng tướng Phùng Thế Tài với những chiến công của quân và dân Hà Nội
Content
Trung tướng Phí Quốc Tuấn
Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
Bác Hồ tặng quà Tết và nói chuyện với các chiến sĩ Đoàn không quân Sao Vàng, sáng Mồng Một Tết Đinh Mùi (9/2/1967). Đồng chí Phùng Thế Tài đứng bên trái Bác. (Ảnh: Tư liệu)
Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2014) quê ở làng Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội. Ông là một trong những danh tướng của Quân đội ta. Nói về ông, mọi người nhớ ngay tới chiến công xuất sắc của ông là “Người cận vệ của Bác Hồ”, bảo vệ tuyệt đối an toàn trong những ngày Bác hoạt động ở Côn Minh, những chuyến công tác của Bác Hồ từ Pắc Pó sang Côn Minh đầy gian nan, vất vả, hiểm nguy, chiến đấu bảo vệ Bác ở vòng ngoài trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Quá trình hoạt động cách mạng của ông gắn liền với những chiến công của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Trải qua thực tiễn hoạt động cách mạng, ông được Bác Hồ và cấp trên tin yêu giao cho những nhiệm vụ quan trọng ở địa bàn quan trọng trong những thời điểm khó khăn, ác liệt, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội.
Có lẽ hiếm có cán bộ quân đội nào chỉ trong vòng 3 năm (5/1946 đến 4/1949) lại có tới 6 lần nhận quyết định Trung đoàn trưởng, trong đó, có tới 4 lần là Trung đoàn trưởng hoạt động trên địa bàn Hà Nội và 1 lần trực tiếp là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội. Chính ông còn là người được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị chiến đấu bảo vệ Bác Hồ và cơ quan Trung ương hoạt động ở địa bàn liền kề, nay thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội. Cuối tháng 02 năm 1947 khi địch được tăng viện từ Pháp sang, một mặt chúng ra sức củng cố khu vực ngoại thành và vùng nội thành mới đánh chiếm được, mặt khác chúng tập trung lực lượng mở các cuộc tấn công sâu vào hậu phương ta nhằm truy kích các đơn vị chủ lực của ta và lùng bắt cơ quan lãnh đạo của ta mà chúng biết đang ở gần Hà Nội. Hướng tiến công chủ yếu của chúng nhằm vào Hà Đông-Sơn Tây nhất là khu vực Quốc Oai, Chương Mỹ.
Từ 19/12/1946 đến 02/3/1947 Bác Hồ và cơ quan Trung ương có nhiều hoạt động tại khu vực Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ. Đúng lúc này trên quyết định thành lập Trung đoàn 48 gồm 3 Tiểu đoàn: 523, 77, 80… đồng chí An Giao là Trung đoàn phó và đồng chí Phùng Thế Tài đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 37 được đồng chí Hoàng Văn Thái giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đoàn 48 kiên quyết chiến đấu bảo vệ các khu vực cơ quan Trung ương đang đứng chân ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và chặn quân địch để Bác và cơ quan Trung ương di chuyển an toàn.
Đêm mùng 2/7 Bác rời Sài Sơn (Quốc Oai) đi Sơn Tây qua Xuân Mai trong khi quân địch đã chiếm Hà Đông và tiến theo hướng đường 6 về Ba La-Bông Đỏ. Chúng dùng xe tăng, cơ giới hành quân chớp nhoáng thọc qua Mai Lĩnh, vòng lên Quốc Oai đúng vào con đường Bác đang di chuyển, cùng lúc đó, một cánh quân khác của địch từ Phùng đánh lên, hầu như theo sát chiếc xe Pho của Bác đang ậm ạch chạy về hướng Xuân Mai, giữa lúc đó nảy ra tình huống hết sức nghiêm trọng, chiếc xe của Bác bị nổ lốp nằm bẹp dí bên cạnh đường, trong lúc hàng nghìn đồng bào tản cư đang gồng gánh lũ lượt đi qua. Tiếng súng của địch phía sau đang đến gần. Cánh quân của địch từ phía Mai Lĩnh đánh quặt lên. Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy, Phùng Thế Tài đã trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 80 phụ trách cụm Đông Chữ-Ba La Bông Đỏ dẫn quân ra đường 6 quyết chặn địch. Chỉ huy Tiểu đoàn 77 phụ trách khu vực Thanh Quang-Sấu Giá đánh mạnh vào cánh quân của địch từ Phùng lên. Do lực lượng địch nhất là lực lượng cơ giới quá mạnh, ta không ngăn được sức tiến công của chúng mà chỉ làm chậm được bước tiến của chúng. Đồng chí Trần Đăng Ninh buộc phải cho đồng chí Ngọc lái xe của Bác, cho xe chạy bằng tang trống để kịp đưa Bác vượt ngã 4 Xuân Mai. Tới 4 giờ sáng ngày 03/3/1947, Bác đến thị xã Sơn Tây an toàn. Từ đây có thể sang tới Phú Thọ là an toàn tuyệt đối.
Trong hồi ký mà Phùng Thế Tài viết: “Chưa bao giờ tôi thấy trách nhiệm của mình nặng nề và thiêng liêng như thế”.
Thời gian đồng chí Phùng Thế Tài làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội (1949-1951) là thời kỳ cuộc kháng chiến của quân và dân Thủ đô đầy cam go, thử thách, khốc liệt. Địch sử dụng lực lượng hùng hậu hòng bình định Thành phố, đè bẹp ý chí kháng chiến của quân dân Thủ đô. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, tư duy nghệ thuật quân sự sắc sảo, đồng chí Phùng Thế Tài cùng Ban chỉ huy Mặt trận luôn kịp thời, sáng suốt tham mưu với Thành ủy Hà Nội những quyết sách đúng đắn, táo bạo… sử dụng lực lượng hợp lý, nắm chắc thời cơ, giành thế chủ động tiến công, biến hậu phương địch thành tiền tuyến của ta, tiêu hao sinh lực địch, phá hỏng phương tiện chiến tranh, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại của chúng.
Nổi bật là trận tập kích Sân bay Bạch Mai rất táo bạo và đạt hiệu suất chiến đấu cao. Sau khi đồng chí Chu Duy Kính, một cán bộ hoạt động nội thành đến gặp Ban chỉ huy Mặt trật đề nghị mở cuộc tập kích Sân bay Bạch Mai (đồng chí Chu Duy Kính đã từng bị địch bắt, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, không có chứng cứ nên địch đưa đồng chí vào làm phu ở Sân bay Bạch Mai, sau khi trốn thoát ra ngoài bằng cống ngầm, sau này là Trung tướng Tư lệnh Quân khu Thủ đô). Đồng chí Phùng Thế Tài đã xem xét, báo cáo đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Thành ủy kiêm Chính ủy Mặt trận. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã chỉ thị cho nội tuyến kiểm tra lại, kết luận là hoàn toàn có thể tin tưởng và quyết định cho đánh. Đồng chí Phùng Thế Tài được Thường vụ Thành ủy phân công trực tiếp chỉ huy, tổ chức chuẩn bị và thực hiện trận đánh. Tổ chức tuyển chọn hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của d108, tiến hành luyện tập chuẩn bị trận đánh bí mật, chu đáo và thực hiện đúng kế hoạch. Trong trận này ta phá hủy và đốt cháy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí và một số trang thiết bị của địch: Phía ta 1 chiến sĩ hy sinh. Trận đánh được Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng Ba.
Trận tập kích Sân bay Bạch Mai của d108 dưới sự chỉ huy của đồng chí Phùng Thế Tài là một điển hình về phá hủy phương tiện chiến tranh của địch trên chiến trường Bắc bộ, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến thuật, kỹ thuật, lựa chọn mục tiêu, cách đánh, sử dụng lực lượng... thiết thực góp phần vào việc hình thành cách đánh đặc công của quân đội ta sau này.
(Còn nữa)