A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viết về chiến tranh để phục vụ hòa bình

 

QPTĐ-Dù chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm nhưng các tác phẩm văn học-nghệ thuật về đề tài này vẫn tiếp tục ra đời, không chỉ để tôn vinh chiến công trong quá khứ, mà còn là sự nhắc nhớ về giá trị của từng phút giây hòa bình đang có.

 

 

Phóng viên chiến trường.   

Ký họa: Thanh Châu

 

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương: Chiến tranh và hòa bình là đề tài lớn, chủ đạo của văn học-nghệ thuật trên toàn thế giới, xuyên suốt từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Với Việt Nam, quá trình dựng nước và giữ nước gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ngoài sử ký, còn một góc nhìn rất đặc biệt, đó chính là sự khắc họa thông qua lăng kính thời đại, qua cảm nhận cá nhân của nghệ sĩ. Với tinh thần công dân, văn nghệ sĩ đã có các sáng tác theo suốt lịch sử chiến đấu của dân tộc. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chống xâm lược, sự hào hùng và bi tráng đã  đi vào hội họa, thi ca, âm nhạc, điện ảnh...Qua các loại hình nghệ thuật, chiến tranh và hòa bình được thể hiện ở nhiều khía cạnh, tạo nên muôn góc nhìn về đề tài này.


Qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đã có rất nhiều tác phẩm phản ánh thực tế tiền tuyến lớn, hậu phương lớn và khát khao hòa bình, thống nhất. Với văn học, nhà văn Chu Lai cho rằng, chiến tranh vẫn là “siêu đề tài”, làm nên diện mạo của văn học Việt Nam thế kỷ XX và là mạch nguồn chưa bao giờ vơi cạn, như tiểu thuyết Xung kích (Nguyễn Đình Thi), trường ca Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), tiểu thuyết Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)... tiếp tục đến nay là Lính trận (Trung Trung Đỉnh), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh)... 


Các họa sĩ cũng nắm bắt từng khoảnh khắc của cuộc chiến để sáng tạo. Nhìn lại nền hội họa Việt Nam, từ những bậc thầy Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… đến những họa sĩ lớp sau như Trương Qua, Đào Đức, Lưu Công Nhân...đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc, có giá trị nghệ thuật về đề tài chiến tranh, thuộc nhiều thể loại: Áp phích-cổ động, ký họa, tranh sơn dầu, sơn mài...Nhiều nhà phê bình đánh giá, thành tựu của mỹ thuật Việt Nam là ký họa kháng chiến và áp phích cổ động, một trang sử thể hiện đầy ăm ắp sự kiện trong hai cuộc chiến trường kỳ của dân tộc, một cách sinh động, đầy đủ và trọn vẹn. 


Lớp nghệ sĩ dành trọn tuổi thanh xuân cho chiến trường, nay dù ở thời bình vẫn tiếp tục sáng tạo, khai thác tiếp cận, soi chiếu những góc khác nhau. Sau những ngợi ca chiến thắng, tái hiện chiến tranh khốc liệt; những tác phẩm về chiến tranh trong thời bình thường mang nặng tâm tư, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc khi quan tâm đến những thân phận người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến...Thậm chí, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật về chiến tranh nổi tiếng, lại được ra đời trong thời bình, khi đã có độ lùi nhất định về thời gian, độ lắng trong tâm tưởng nghệ sĩ.


 “Sự kiện lịch sử chỉ diễn ra có một lần, và mỗi ngày, sự kiện ấy sẽ xa đi và sẽ bị lớp bụi thời gian phủ mờ đi. Từ đó, tôi mới nảy sinh suy nghĩ là phải phục dựng những giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”-Nhà báo Trần Mai Hạnh, tác giả tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 chia sẻ về cảm xúc khi có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975. Tuy nhiên, phải gần 40 năm sau, tiểu thuyết này mới được ra mắt, không phải để ca ngợi chiến thắng, mà để phục vụ hòa bình, bởi theo ông: “Chiến tranh là điều không ai muốn. Hòa bình là niềm khát khao của nhân loại. Hòa bình là vô giá”.


Chiến tranh chưa lùi quá xa để người ta có thể lãng quên. Bởi vẫn còn đó các thế hệ từng lăn lộn trong chiến trường, ghi lại thực tế, giúp thế hệ sau nhìn về chiến tranh với muôn vàn góc cạnh. Điều đó không chỉ là một sự nhìn lại, nhắc nhớ, tri ân những người đã ngã xuống cho hòa bình, mà còn tô đậm trong mỗi người tình yêu cuộc sống bình yên. 


DUY MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ