A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc đời và sự nghiệp của Cao Bá Quát

 

QPTĐ-Cao Bá Quát (1809-1855), tên tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, ông sinh ra tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ngay từ nhỏ đã sống trong cảnh nghèo khó nhưng Cao Bá Quát nổi tiếng là đứa trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm Tân Mão (1831), đời vua Minh Mạng, ông thi hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội nhưng đến khi duyệt quyển thì bị Bộ Lễ kiếm cớ xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ Cử nhân. Sau đó, trong 9 năm, 3 năm một lần vào kinh đô Huế dự thi Hội, Cao Bá Quát lần nào cũng hỏng.

 

 

Nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát.


Năm 1841, ông mới được làm quan tỉnh Bắc Ninh và được tiến cử lên triều đình bổ làm Hành tẩu ở Bộ Lễ. Ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên vào tháng 8 (Âm lịch) năm đó. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ rồi lấy son hòa muội đèn chữa giúp 24 quyển. Việc này bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên. 


Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm Quý Mão (1843), được triều đình tạm tha nhưng Cao Bá Quát bị phát phốt đi Đà Nẵng, chờ ngày đi “dương trình hiệu lực” (ra nước ngoài). Sau đó, Cao Bá Quát được phục chức ở Bộ Lễ nhưng chẳng bao lâu thì bị thải về sống với vợ con ở Thăng Long. Đến năm 1847, Cao Bá Quát được lệnh triệu vào Huế  làm ở Viện Hàn Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. 


Năm Canh Tuất (1850), Cao Bá Quát làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai. Đến cuối năm đó, lấy cớ về chịu tang cha và sau đó xin ở lại nuôi mẹ già, Cao Bá Quát đã thôi chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai.


Giữa năm 1854, gặp lúc vùng Sơn Tây bị hạn hán nặng, nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân cũng trở nên cực khổ hơn, Cao Bá Quát đã vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào đứng dậy khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây). Tuy giành được một số thắng lợi nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung phản công thì quân khởi nghĩa liên tiếp bị thất bại. Tháng Chạp năm Giáp Dần, sau khi bổ sung lực lượng, Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng Yên Sơn, theo sử nhà Nguyễn thì Cao Bá Quát bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Thủ lĩnh Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Thực cũng lần lượt sa vào tay đối phương rồi bị chém chết.


Nhiệt huyết và khí phách của Cao Bá Quát được thể hiện qua các bài thơ như Tài mai (Trồng mai), Quá Dục Thuý Sơn (Qua núi Dục Thuý), Thanh Trì phiếm châu nam hạ (Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi nam)… 


Nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông, ngày 30/3/2011, Nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát đã được khánh thành tại chính quê hương Phú Thị trong niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân địa phương.


   Minh Phương 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ