A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảm nhận nghề báo

 

QPTĐ-“Bị tàu lạ đâm xô đến trọng thương (thủng ruột, dập bàng quang) và phải mổ cấp cứu nhưng anh Phạm Quốc Dũng, xã An Hải, huyện Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi và những ngư dân ở đây không hề nhụt chí, ngược lại họ vẫn can trường, không ngại hiểm nguy bám biển, bám nghề”, đó chính là hình ảnh khiến chúng tôi thực sự cảm động khi công tác tại đảo Lý Sơn (Đoàn gồm cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội) vào trung tuần tháng 4 năm 2015. Đồng thời, là động lực khiến chúng tôi-những người cầm bút vừa trải qua chặng đường dài bằng ô tô và tàu từ Hà Nội ra đảo cũng cảm thấy như quên hết mệt mỏi, được tiếp thêm sức mạnh, chắc tay “bút”, gắn bó hơn với nghề.

 

 

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng,

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tham quan

gian trưng bày báo chí trong Quân đội tại Hội báo toàn quốc 2018.

 

Nhắc tới nghề báo, nhất là những người làm nghề chân chính, tâm huyết, luôn đấu tranh với cái sai, cái chưa hoàn thiện không hề đơn giản, thậm chí có những người từng hy sinh cả tính mạng cho công việc mình theo đuổi. Tuy nhiên nếu được lựa chọn lại nghề, tôi vẫn tin những đồng nghiệp nói chung và lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô nói riêng-những ai từng nối tâm huyết bằng những con chữ hẳn vẫn muốn gắn mình với công việc ấy. 

 

 

Phỏng vấn nhân chứng lịch sử tham gia 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội.



Câu hỏi là tại sao? Mỗi người có một lý do riêng, với riêng cơ quan Báo Quốc phòng Thủ đô, điều đầu tiên, tôi có thể trả lời ngay đó là chúng tôi được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Cục Chính trị thực sự quan tâm: Từ công tác phí, phương tiện tác nghiệp tới các chế độ khác. Mỗi phóng viên đều được trang bị đầy đủ máy quay, máy ảnh, máy ghi âm phục vụ cho tác nghiệp-điều mà không phải phóng viên nào cũng may mắn có được như vậy. 


Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm, đó là năm 2013, ngay khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi được Tổng Biên tập gọi điện trực tiếp phân công viết bài phản ánh tình cảm của người dân với người anh Cả của quân đội. Để hoàn thành nhiệm vụ, tối đó dù đã rất muộn, đường lại đông vì người dân mọi nơi đổ về đó nhưng bằng mọi giá, tôi vẫn có mặt tại điểm phân công và hoàn thành bài viết đúng thời hạn.

 

Vất vả đấy nhưng tôi thấy thật cảm động vì trong khoảnh khắc và phút giây thiêng liêng ấy đã được hoà mình ở nơi-vốn thường ngày thân thuộc và gắn bó với Đại tướng, nói lên tâm tư của người dân và phần nào đó của chính mình với Người. 10 ngày sau đó, để ghi lại được toàn bộ khoảnh khắc đáng nhớ về Lễ tang Đại tướng, mỗi phóng viên của Báo được phân công một điểm. Tổng Biên tập trực tiếp đi cùng anh em đến các chốt. Tôi được phân công tại số 30, Hoàng Diệu và Cột Cờ. Muốn có mặt tại vị trí đúng giờ, đêm đó chúng tôi dậy từ rất sớm (khoảng hơn 3 giờ), di chuyển ra cơ quan sau đó lên xe cơ động tới các điểm. Chứng kiến những hình ảnh cực kỳ xúc động, cũng khi đó tôi đã viết thế này: “Có mặt tại nhà Đại tướng nhiều lần kể từ hôm Người ra đi, cũng đau xót, cũng tiếc thương Người Anh cả như bao người khác nhưng mình vẫn cố giữ một quân dung bình thản.

 

Nhưng hôm nay, cũng tại ngôi nhà ấy-khi nhìn thấy Đoàn xe tang của Người tiến lại gần và dừng hẳn trước số nhà 30-trái tim mình chợt nghẹn lại. Dù tự nhủ phải kiềm chế vì vẫn đang tác nghiệp nhưng nước mắt cứ thế lăn dài. Một Đại tướng đi qua bao cuộc chiến tranh, làm nên những chiến thắng "chấn động địa cầu"...giờ nằm lặng yên ở đó, dưới tấm vải đỏ và khung kính vô hình...”. Nhìn hàng vạn, hàng vạn người bên đường đang khóc thương Đại tướng, mình chợt nhận ra một điều thật giản dị: Sự vĩ đại trong mọi hoàn cảnh vẫn luôn vĩ đại và khi có cùng nỗi đau thì tất cả người dân Việt Nam lại xích gần nhau hơn...Vĩnh biệt Anh cả của Quân đội, Người về với Bác Hồ nhưng Đại tướng và Bác sẽ sống mãi trong lòng nhân dân”. Thế đấy!


Ngoài được chứng kiến những phút giây trọng đại của dân tộc, của thành phố và đặc biệt là của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, tất nhiên những khi làm nghề, chúng tôi cũng phải đối mặt với các tình huống dở khóc, dở cười: Có khi máy ở cơ quan không sao nhưng tới đơn vị thì “dở chứng”, tự nhiên “đơ”, với trường hợp như thế nếu mất bình tĩnh thì không những không khắc phục được nên hơn lúc nào hết chúng tôi càng phải bình tĩnh. Hay có lần, chúng tôi được giao nhiệm vụ quan trọng: Ghi lại hình ảnh Tổng duyệt diễu binh diễu hành nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước. Tôi, Hoàng Hải, Hữu Thu ở phía bên phải khán đài.

 

Tôi nhớ hôm ấy, trời buổi tối rất nóng, oi bức và khó chịu nên mặc dù buổi tối nhưng ai nấy đều mồ hôi ướt đầm lưng áo, tuy nhiên điều đáng nói, đúng đến thời điểm diễn ra Tổng duyệt thì mưa như trút. Không chỉ ghi hình mà ngay khoảnh khắc ấy-điều quan trọng đầu tiên và cũng là châm ngôn quan trọng với chúng tôi đó là: “Người có thể ướt nhưng phải bằng mọi giá bảo quản phương tiện”. Áo mưa không thể kiếm được tại đây và ngay lúc này, hơn nữa do phải đứng tại điểm quy định nên chỗ “núp” đương nhiên không có. Thật may, một đồng nghiệp tại khu vực đó có một tấm nilon nên xé nhỏ hỗ trợ đồng nghiệp (tôi may mắn trong số đó) và mặc dù hôm ấy phải đứng dưới mưa mấy tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi không ai bị ốm, vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao, ghi được những hình ảnh đẹp đăng tải  trên các loại hình báo chí và làm tư liệu, điều đặc biệt, chúng tôi bảo vệ được máy không bị ướt, hỏng hóc…


Nói đến nghề báo, còn nhiều lắm những kỷ niệm không thể nào quên, ở đó có sự khó khăn, vất vả và những buổi tối mang cái “bụng” còn đói meo về nhà (khoảng 23 giờ đêm); có thành công nho nhỏ nhưng hơn cả chúng tôi thấy vui và tự hào vì được chứng kiến sự chuyển mình của đất nước, các sự kiện trọng đại của dân tộc, thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ở đó chúng tôi chuyển tải được nụ cười, niềm vui, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nét đẹp văn hoá Người chiến sỹ Thủ đô…đến với công chúng.


Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ