A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức bật từ làng nghề truyền thống

 

QPTĐ-“Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Quất Động với anh thì về/ Quất Động làng anh có nghề/ Thêu gà, thêu vịt, thêu hoa trên cành”. Cách trung tâm Hà Nội chừng 25 km về phía Nam, xã Quất Động (huyện Thường Tín) từ bao đời nay được coi là “đất tổ" nghề thêu tay truyền thống. Nhờ biết khai thác tốt lợi thế làng nghề, Quất Động đang từng bước thay đổi, khoác lên mình diện mạo mới tươi đẹp hơn.

 

 

Sản phẩm thêu Quất Động được xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới. 

 

Từ thế kỷ XVII, Quất Động đã phát triển nghề thêu tay với những nghệ nhân có bàn tay vô cùng khéo léo, tạo nên những sản phẩm thêu rực rỡ, sinh động. Người có công truyền dạy cho dân làng nghề thêu là Bùi Công Hành, đời Lê, được dân làng tôn vinh là ông tổ nghề thêu.


Ban đầu, nghề thêu chủ yếu là thêu câu đối, trướng, nghi môn để treo ở đình, chùa và thêu các loại khăn chầu, áo ngự phục vụ trang phục cung đình. Ngày nay, mặt hàng mỹ nghệ thêu phát triển phong phú. Trên nền vải, người thợ thêu tạo nên chim muông, hoa lá, cỏ cây… với những đường nét và màu sắc sinh động trên các sản phẩm đa dạng như áo gối, khăn bàn, áo quần, bức tranh, chân dung và nhiều sản phẩm khác theo mẫu đặt hàng của khách. Nhiều nghệ nhân say mê nghiên cứu, phục dựng những trang phục của triều đình phong kiến.


Ngoài sinh cơ ở xã, những người thợ Quất Động còn tới các tỉnh, thành phố, tạo dựng nghề nghiệp và truyền nghề cho các thế hệ kế tiếp. Từ thế kỷ XVIII, XIX, những người thợ Quất Động từng lập nên nghề thêu ở kinh thành Thăng Long và ngày nay nhiều thế hệ con cháu tiếp tục duy trì, phát triển nghề thêu tại Hà Nội. Chỉ với cây kim, sợi chỉ, tấm vải, với trí thông minh và bàn tay tài hoa, những người thợ thêu Quất Động đã tạo nên những sản phẩm thêu, những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu. Ngày nay, các hộ sản xuất, các cơ sở sản xuất nhỏ trong làng nghề đi vào chiều sâu đều đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ truyền thống để sản xuất ra những tác phẩm có đủ sức cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Nhờ vậy mà sản phẩm thêu Quất Động đã mở rộng tại hơn 20 nước, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mĩ…


Lấy lợi thế kinh tế làng nghề làm điểm tựa, Quất Động không ngừng đổi mới nâng cao đời sống người dân. Vốn xuất phát điểm là vùng sản xuất nông nghiệp, xã mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Những năm gần đây, xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

 

Từ năm 2015, nhiều cụm công nghiệp liên kết xã đã được hình thành. Điển hình như Cụm công nghiệp Quất Động 1 với quy mô 23.64 ha, phát triển công nghiệp cơ khí, đồ gia dụng, thiết bị điện. Cụm công nghiệp Quất Động 2 (phần mở rộng năm 2017) với quy mô 43,46 ha, phát triển công nghiệp may mặc xuất khẩu, công nghiệp công nghệ cao, tin học, bưu chính viễn thông…Nhờ vậy, nguồn thu của người dân ngày càng ổn định, cuộc sống thay đổi tích cực hơn. Kinh tế phát triển, toàn xã lại chung tay xây dựng nông thôn mới.

 

Về Quất Động bây giờ, không còn những con đường gập ghềnh khó đi, bức tranh làng quê ánh lên niềm vui mừng, phấn khởi. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa tạo thuận lợi cho sản xuất. Đường làng, ngõ xóm khang trang, môi trường bảo đảm, hệ thống các công trình an sinh xã hội được nâng cao, đáp ứng toàn diện nhu cầu của người dân. Đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, Quất Động mang trong mình niềm vui, niềm tự hào phơi phới. Nhưng chẳng vì thế mà bằng lòng, những người con mảnh đất này lấy đó làm động lực, để tiếp tục phát huy hơn nữa thế mạnh truyền thống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.


Ý NHI

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ