A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhật ký hành trình Hà Nội-Trường Sa: Kỳ 2-TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG

 

QPTĐ-Ngày thứ 3 của hải trình, vượt hơn 300 hải lý, con tàu KN-490 đã đưa Đoàn công tác đặt chân lên đảo Song Tử Tây. Là điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn nên khi tàu vừa buông neo, nhiều người lên boong tàu ngắm nhìn đảo Song Tử Tây từ xa. Ai cũng bồi hồi, xúc động, đúng là “Tổ quốc nơi đầu sóng”.

 

 

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tại công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca. 


- 05h00 ngày 15-4-2018: Chưa đến giờ báo thức nhưng hầu hết các thành viên của Đoàn công tác đã dậy sớm. Trên khoang mũi tàu, hàng chục người đang chờ mặt trời nhô lên khỏi mặt biển. Ồ đã có sóng (điện thoại) rồi! Đâu đó tiếng thông báo của một thành viên. Mình lấy điện thoại, gọi một cuộc, sau đó gửi một tin nhắn báo với gia đình tàu đã buông neo ở đảo đầu tiên trong hải trình đến với quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. 
Đảo Song Tử Tây, đảo cấp I hiện ra với màu xanh mát mắt của những cây phong ba, cây tra và cây bàng quả vuông. Ngọn hải đăng trên đảo sừng sững, hiên ngang như thách thức kẻ thù và báo tín hiệu vui cho các tàu đi biển. Mặt trời thức giấc, e thẹn rửa mặt trên sóng biển để rồi nhuộm màu bình minh cho biển đảo quê hương thêm tươi khỏe.


Sau đúng 8 năm, tôi lại đến đây với các chiến sĩ hải quân, với đảo nhỏ quê hương rất đỗi thân thương. Chúng tôi đến chùa Song Tử Tây để nghe tiếng chuông ngân, nghe lời tụng kinh của 3 vị sư (2 vị trong Đoàn công tác) là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội; Đại Đức Thích Thanh Trung và sư trụ trì chùa Song Tử Tây). Các vị sư đã cầu để Đoàn công tác gặp nhiều điều tốt lành.

 

Tiếp đó, Đoàn đến dâng hương tại tượng đài Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đoàn cầu mong Tướng quân phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an; cầu cho các gia đình hạnh phúc; người dân nước Việt luôn đoàn kết, khoẻ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Trước tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây cùng Đoàn công tác Hà Nội nguyện hứa giữ vững biển trời Tổ quốc Việt Nam thân yêu. 


- 11h00: Sau khi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, các hộ dân; thăm cán bộ, nhân viên Nhà đèn và các đơn vị trên đảo; thăm Nhà Văn hoá Song Tử Tây, công trình được khởi công từ năm 2010 do thành phố Hà Nội tặng, Đoàn công tác tạm biệt Song Tử Tây để đến với đảo Đá Nam.


Đá Nam là đảo chìm, nằm cách Cảng Cam Ranh 299 hải lý. Nhìn từ Song Tử Tây, đảo Đá Nam vững vàng như lô cốt thành trì án ngữ cực Bắc của quần đảo Trường Sa.


- 13h30: Từng tốp 10 người theo xuồng vào đảo. Không nhiều cán bộ, chiến sĩ song bầu không khí trên đảo Đá Nam rất ấm áp với nghĩa tình Hà Nội-Trường Sa. Tiếng dân ca ngọt ngào cất lên động viên anh lính trẻ đang gác trên tuyến đầu của Tổ quốc. Khúc ca vang mãi khúc quân hành của diễn viên Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội với sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV Dương Minh Ánh-người đã đến Trường Sa 3 lần làm ngất ngây lòng cán bộ, chiến sĩ và làm xao xuyến nhiều thành viên của Đoàn công tác.


- 05h00 ngày 16-4-2018: Con tàu KN-490 buông neo ở đảo Đá Thị. Đá Thị là đảo chìm, thuộc khu vực Bắc quần đảo Trường Sa. Đá Thị đón Đoàn với niềm tin và hy vọng.


- 08h00: Lễ Khởi công công trình Nhà Văn hoá đa năng do thành phố Hà Nội tặng đảo Đá Thị với trị giá 37 tỷ đồng từ tiền ủng hộ của cán bộ công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Hà Nội. Sóng to, biển động nên chỉ một nửa số thành viên của Đoàn công tác vào được đảo Đá Thị. Đoàn công tác tạm biệt Đá Thị lúc 11h00.


- 13h30: Đoàn công tác đến với đảo Sơn Ca. Sơn Ca là đảo nổi, hình bầu dục, hẹp ngang nằm theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, cách Cam Ranh 312 hải lý. Đảo Sơn Ca được dệt bằng những dải gấm xanh từ những cây bàng vuông, cây tra, rau xanh và được trộn bởi sắc đốm hồng của cây đại đỏ, cây sứ. Nơi đây chim Sơn ca thường đến làm tổ và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca. Cách Sơn Ca không xa là đảo Ba Bình do nước ngoài chiếm đóng.


Đến với đảo Sơn Ca, các vị sư cùng Đoàn công tác làm lễ tại chùa Sơn Linh.


Trùng hợp, hôm nay là mùng 1 tháng 3 năm Mậu Tuất. Tiếng mõ đều đều và lời niệm “Nam mô a di đà Phật” đưa chúng tôi về với cõi linh thiêng giữa biển khơi ngàn trùng. Cầu Phật phù hộ độ trì cho Đoàn công tác và gia đình gặp nhiều điều tốt lành nhất.


Nằm bên trái từ cầu tàu vào là công viên mang tên Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đoàn dâng hương tưởng niệm và tri ân công lao trời biển của Đại tướng với dân tộc Việt Nam. Cảm ơn Đại tướng đã cho chúng con những bài học về đạo đức làm người và nghệ thuật quân sự cùng những chiến công hiển hách vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Chúng con cầu mong Đại tướng luôn phù hộ mạnh khoẻ, làm tốt công việc được giao.


- 19h00: Các trận thi đấu cờ tướng trên tàu. Anh Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã lọt vào tốp 6. Còn trên boong tàu, hội thi văn nghệ diễn ra với phần thi của tổ 1, tổ 2 và tổ 3. Ban Tổ chức do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng ban. Anh Cương, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố là Tổng Thư ký.


Tổ 1 với hạt nhân là các đồng chí lãnh đạo Đoàn công tác như anh Quý, chị Hương, chị Hà, anh Yêm và các anh công an tham gia rất nhiệt tình. Tổ 2 và Tổ 3 cũng không kém phần nhiệt huyết. Các ca khúc về biển đảo, tình yêu đất nước, tình yêu Hà Nội cất lên rộn rã.


(Còn nữa)
Nguyễn Hữu Hồng

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ