A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến đấu trong lòng dân

 

“Miền Nam thì có Củ Chi

Miền Bắc thì có Tằng My- Nam Hồng

 

 

Một đoạn hầm tại địa đạo Nam Hồng.


QPTĐ-Không rõ câu ca đó có từ bao giờ nhưng nó đã thành niềm kiêu hãnh, tự hào về truyền thống đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền đất nước. Nói đến Củ Chi là nói đến địa đạo nổi tiếng, khiến Mỹ-Ngụy khiếp sợ và nói đến Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) là nói đến hệ thống địa đạo ở các thôn Tằng My, Vệ, Đìa, Đoài của xã Nam Hồng, tạo thành thế tiến công địch liên hoàn từ trong lòng đất vừa bảo toàn được lực lượng vừa đánh địch rất hiệu quả. Chiến thuật này lần đầu tiên được áp dụng trong lịch sử chiến tranh cách mạng của quân và dân ta.


Làng kháng chiến Nam Hồng được hình thành ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946. Tại đây, quân dân xã Nam Hồng đã chủ động rào làng, đắp lũy, kết hợp với hệ thống giao thông hào liên hoàn tạo sự linh hoạt trong tác chiến. Phía trong làng thì nhân dân đã sáng tạo nối thông các hầm bí mật thành hệ thống địa đạo chạy ngầm trong lòng đất. Hơn 11 km địa đạo đã được hình thành và kết nối ngay trong địa bàn xã đã được quân và dân Nam Hồng hoàn thành trong thời gian chưa đầy một năm.

 

Đó là chưa kể còn khoảng 10km giao thông hào, hơn 8km thành lũy và hàng trăm hầm bí mật, công sự… cũng đã được đào đắp để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong suốt 9 năm kháng chiến, quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên, làm bị thương 153 tên, bắt sống 11 tên, 135 tên phải quy hàng; thu 72 súng trường, 3 súng tiểu liên, 780 lựu đạn, phá 3 xe lội nước, 1 trung liên, hàng chục mét đường sắt của địch. Địa đạo Nam Hồng đã tạo nên lợi thế đánh địch. Quân Pháp không thể ngờ có cả một hệ thống đường hầm trong lòng đất mà từ đó du kích đột ngột xuất hiện, rồi lại đột ngột biến đi, khiến chúng trở tay không kịp, ngược lại quân ta bảo toàn được lực lượng bởi được chiến đấu trong lòng dân, được nhân dân che chở, bảo vệ. 


Với những đóng góp xuất sắc vào thắng lợi của đất nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 29/1/1996, quân và dân xã Nam Hồng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và với những giá trị lịch sử, quân sự, văn hóa  lớn lao, ngày 13/2/1996, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 310-QĐ/BT, xếp hạng cấp quốc gia di tích địa đạo Nam Hồng.

 

Tuy nhiên, trải qua trên 60 năm kể từ năm 1954, địa đạo Nam Hồng đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 10km địa đạo cũ nay không còn nguyên vẹn. Nhiều chỗ bị sập, lở, chỗ thì bị người dân san lấp làm nhà, làm vườn… nay chỉ còn khoảng 200 mét trong lòng đất được chèn chống khá kiên cố. Năm 2000, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư 1,2 tỷ đồng để khôi phục đoạn địa đạo nói trên cùng với 200 mét địa đạo, 100 mét giao thông hào, hầm chông, cạm bẫy và một số hiện vật khác… nhưng đến nay, các hạng mục được gia cố cũng đang đứng trước nguy cơ tiếp tục xuống cấp. Được biết, năm 2010, Thành phố đầu tư 70 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường vào địa đạo và lập khái toán dự án đầu tư nâng cấp và khôi phục di tích giai đoạn 2.

 

Theo đó, địa đạo Nam Hồng sẽ được khôi phục gần 1km, đền bù một số hộ dân đang nằm trên di tích để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng Di tích. Chính quyền và nhân dân xã Nam Hồng rất phấn khởi khi được biết chủ trương của Thành phố như vậy, nhưng cho đến nay, các dự án vẫn đang là dự án, trong khi khu di tích địa đạo Nam Hồng đang đứng trước nguy cơ biến thành phế tích…


Trong Phòng truyền thống của xã Nam Hồng hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc và rất có giá trị, trong đó có bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong sổ vàng truyền thống, khi Đại tướng đến thăm Nam Hồng vào năm 1995, Đại tướng viết: “Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở đồng bằng Bắc bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ...”. Đây là điều nhắc nhở trách nhiệm của chúng ta đối với việc giữ gìn một di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý báu, lại độc đáo, duy nhất chỉ có ở Nam Hồng, huyện Đông Anh. 


Trang Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ