A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lính trẻ Hà Nội ở Trường Sa-Bài 1: Bộ 3 “Xe-Pháo-Mã” trên đảo Song Tử Tây

 

QPTĐ-Cùng Đoàn công tác của thành phố Hà Nội ra thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đang vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” như gan dạ, dũng cảm kiên cường, mưu trí sáng tạo, họ còn có đời sống nội tâm phong phú, sự hào hoa, lãng mạn nhưng cũng không kém phần quyết liệt làm nên phong cách lính trẻ Hà Nội ở Trường Sa.

 

 

Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây.

 

Trên đảo Song Tử Tây có 3 chiến sĩ trẻ đều quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội: Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Đức Tâm và Đức Chính. Cùng ra đảo công tác một đợt, cùng quê hương Ba Vì nên họ nhanh chóng gắn bó với nhau không khác anh em một nhà. Họ được cán bộ, chiến sĩ trên đảo gán cho biệt hiệu: Bộ 3 “Xe-Pháo-Mã”.

 

 

Các đồng chí lãnh đạo huyện Ba Vì động viên 3 chiến sĩ trẻ: Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Đức Tâm

và Đức Chính đang công tác trên đảo Song Tử Tây.


Binh nhất Nguyễn Mạnh Cường sinh năm 1997, là con thứ hai trong gia đình. Tốt nghiệp THPT, Cường viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào bộ đội Hải quân và được điều ra công tác tại đảo Song Tử Tây. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi, vốn chẳng quen với nắng, gió biển mặn chát hơi muối nhưng được sự động viên của cấp trên, sự chia sẻ của anh em trong đơn vị, Cường đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nói về hành động viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào bộ đội hải quân, Cường chia sẻ: “Qua sách báo và những kiến thức được học khi còn ngồi ghế nhà trường em đã có hình dung về cuộc sống ở Trường Sa. Hơn nữa, tuổi trẻ em cũng mong muốn phấn đấu, rèn luyện. Bởi vậy, khi viết đơn tình nguyện, em cũng đã xác định được những khó khăn, khắc nghiệt của môi trường sống và xem đây là một sự trải nghiệm lớn trong cuộc đời”.


Cũng như Cường, tốt nghiệp THPT, ước muốn được trở thành người lính đã thôi thúc Đoàn Đức Tâm quyết định không ở quê mà làm một điều gì đó lớn lao hơn. Chính vì thế, Tâm viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được công tác tại Trường Sa. “Được làm nhiệm vụ tại Trường Sa là niềm tự hào của người lính. Gia đình, quê hương luôn là động lực, là chỗ dựa tin cậy để em vững vàng tay súng, gắn bó với biển đảo quê hương”.

 

Tâm nói với chúng tôi như vậy khi đề cập đến những người thân trong gia đình. Tâm còn cho biết, khi đặt chân lên đảo, nhiều chiến sĩ cảm thấy khá bất ngờ. Cảnh quan, môi trường, điều kiện học tập, công tác tốt hơn rất nhiều so với hình dung của mình. “Doanh trại khang trang, sạch sẽ và khá đủ tiện nghi sinh hoạt. Về lương thực, thực phẩm, ngoài sự cung cấp của đất liền, bộ đội tổ chức tăng gia, nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đời sống tinh thần cũng tạm ổn. Trên đảo có sóng điện thoại, sóng truyền hình  để cán bộ, chiến sĩ nắm bắt thông tin thời sự. Ngoài ra, sau giờ học tập, công tác, cán bộ chiến sĩ có thể tham gia tập luyện thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ”. Tâm cho biết.


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống, ông nội là bộ đội chống Mỹ, Đức Chính luôn khát khao được cống hiến cho Tổ quốc. Chính tâm sự: “Ông nội là bộ đội, nên em cũng muốn noi gương ông, trở thành một người lính, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” để phục vụ tốt cho nhân dân, đất nước…”. Với Chính, Trường Sa luôn là quê hương thứ 2, nơi anh sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình để góp phần nhỏ bé bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc. Sổi nổi, hào hứng khi kể về cuộc sống trên đảo nhưng khi nhắc đến đất liền, nhắc đến quê hương, giọng Chính trùng xuống: “Nhiều lúc chúng em cũng nhớ nhà lắm chứ anh! Nhớ bố mẹ ngày đêm vất vả trên ruộng đồng để có hạt thóc, củ khoai nuôi chúng em khôn lớn. Nhớ những buổi tụ tập bạn bè cùng trang, cùng lứa hay những buổi văn nghệ, những trận đá bóng trên triền đê... Nhưng càng nhớ quê hương, gia đình thì chúng em càng quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.


Ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 lần này, trong Đoàn công tác của thành phố Hà Nội có các đồng chí là lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì. Được gặp những chiến sĩ trẻ là con em của quê hương đang công tác trên đảo, các đồng chí lãnh đạo huyện Ba Vì không khỏi bùi ngùi xúc động. Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì cho biết: “Chúng tôi ra đây để thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nhưng chính các chiến sĩ trẻ lại truyền cho chúng tôi niềm tin về tinh thần trách nhiệm, tinh thần dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ của tuổi trẻ ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Từ đó, chúng tôi càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trên từng cương vị công tác để góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.


Tình yêu quê hương, ý chí kiên định vượt khó, những chiến sĩ trẻ người Hà Nội đang học tập, công tác ở Trường Sa đã coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, không ngừng phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.


(Còn nữa)
P.Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ