A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng Đường-Tinh hoa ẩm thực ba mươi sáu phố phường

 QPTĐ-Nằm trong quần thể 36 phố phường Hà Nội, phố Hàng Đường, thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là con phố cổ chạy dọc theo hướng Bắc-Nam. Phía Nam nối phố Hàng Ngang và phía Bắc nối phố Đồng Xuân, cắt qua ngã tư với Hàng Cá-Ngõ Gạch.

Phố Hàng Đường nổi tiếng với những cửa hàng bán ô mai.

 Theo các tài liệu, phố Hàng Đường hiện dài 180m, rộng 8m. Nối phố Đồng Xuân với phố Hàng Ngang, cắt qua ngã tư với Hàng Cá-Ngõ Gạch. Phố có từ trước thời Pháp thuộc, sau khi người Pháp đặt sự cai trị ở xứ Bắc kỳ và Hà Nội, người Pháp gọi là Rue du Sucre. Năm 1945, phố có tên Hàng Đường cho đến ngày hôm nay. 

Đây nguyên là phần đất của thôn Vĩnh Thái (đoạn đầu phố) và thôn Đông Hoa Nội Tự (đoạn cuối phố), tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ thứ XIX, thôn Vĩnh Thái đổi thành Vĩnh Hanh; Đông Hoa Nội Tự hợp nhất với hai thôn Đông Hoa Môn và Hậu Đông Hoa thành thôn Đức Môn (tổng Hậu Túc cũng đổi tên là Đồng Xuân). Hiện trên tuyến phố vẫn còn dấu vết của các đình, chùa xưa như: Đình Vĩnh Hanh và Đức Môn, chùa Đông Môn.

 Đình Vĩnh Hanh, nay là gác 3 số nhà 91B-Ngày xưa tầng dưới của đình là nơi buôn bán, bên trên để thờ. Đình Đức Môn là số nhà 38, thờ Ngô Văn Long, một danh tướng đời Hùng Duệ Vương thứ 18. Trải qua thời gian, trong đình vẫn còn lưu giữ được câu đối hay: Hùng đồ thập bát thế, tá mệnh ngật kim, phật tử huân thần tiêu vĩ vọng/Đông quán sổ bách niên, giáng thần nhu hậu, kỳ tiêm giát mộng kỷ thần hưu. (Dịch: Giúp nước từ Vua Hùng đời thứ 18, con Phật tôi hiền nên công vĩ đại/Giáng thần ở Cầu Đông mấy trăm năm trước, thẻ ban mộng ứng ghi dấu uy linh).

Chùa Đông Môn (thường gọi Cầu Đông), nay là số nhà 38B đang giữ được nhiều bia cổ và quả chuông được ghi dòng chữ “Đông Môn Tự Chung (chuông chùa Đông Môn)”, đúc đời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 8. 

Trước đây,  sông Tô Lịch cắt ngang phố Hàng Đường. Để đi qua khúc sông tại tuyến phố, người ta đã xây cầu Đá-có tên gọi cầu Đông. Có nhiều điển tích nhưng có nội dung cho rằng trên bệ lộ thiên (phía đầu cầu) trước có đặt một tượng phật cười (người dân thường gọi là Tiêu phật).

Điều đáng nói, phố có tên Hàng Đường bởi nơi đây từ xưa kia, hàng hóa bán tại đây cũng chủ yếu là các loại sản phẩm làm từ mật, đường mía, đường phèn, bánh kẹo, mứt, ô mai… 

Những cửa hàng nổi tiếng trước đây có thể kể đến như: Ngọc Anh, Bích Lan, Tùng Hiên… Hiện Hàng Đường là tuyến phố có lượng người tham quan, mua sắm sầm uất tại 36 phố phường, với đủ các chủng loại sản phẩm, hàng hóa nhưng tiêu điểm vẫn là các chủng loại liên quan đến “đường”.

Chị Linh Lan, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Mỗi lần có thời gian trải nghiệm qua phố cổ, tôi có cảm giác thật thú vị. Vốn rất thích ăn các món ô mai nên khi có dịp qua đây thể nào tôi cũng ghé Hàng Đường để lựa cho mình sản phẩm ưa thích nhất, thỏa sự đam mê ẩm thực. 

Có thể nói, cùng với sự phát triển thị trường, hiện phố Hàng Đường đã bán nhiều mặt hàng khác nhưng nét đặc trưng của con phố thì vẫn là thế mạnh. Đặt chân đến Hàng Đường, nhất là những ngày giáp tết, “thưởng không khí tết” từ nơi đây và thoang thoảng trong gió những dư vị của mứt, kẹo được chế biến cầu kỳ… có điều gì đó thật thân thương, gần gũi. Và tình yêu Hà Nội cứ thấm vào tôi từ những điều tưởng như rất nhỏ như vậy…

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ