A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xác lập không gian văn hóa đọc

Văn hóa đọc là một khái niệm đa nghĩa, ở nghĩa rộng là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của một cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước; còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân được hình thành từ thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

 Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

(Theo Nguyễn Hữu Viêm)

QPTĐ-Tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, tự học đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và nền văn hóa – giáo dục quốc gia đã được khẳng định trong lịch sử nhân loại mà không cần chứng minh thêm. Sách thực sự là nguồn của cải và là di sản quý báu của các thế hệ, như Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Không bằng kinh sử một vài pho”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt” và đọc sách không thể thiếu trong “tự học”. Sách mang lại niềm vui và tri thức phục vụ cho học tập, nghiên cứu, công việc và nâng cao các kỹ năng của bản thân. Trong thời đại chuyển đổi số xuất hiện nhiều phương pháp đọc sách mới và việc xác lập không gian văn hóa đọc đang phát huy hiệu quả trong việc phát triển văn hóa đọc.

 
Hội sách Hà Nội lần thứ 8 năm 2023 được tổ chức bên bờ Hồ Gươm.

Không phải ngẫu nhiên mà Hội sách Hà Nội lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Thắp lửa tri thức- Kiến tạo tương lai” lại được tổ chức vào mùa Thu bên bờ Hồ Gươm thơ mộng trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND thành Hà Nội Hà Minh Hải đã phát biểu khai mạc, hội sách là một sự kiện đặc biệt, không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô mà còn mang tính thường niên và tạo thành "thói quen", "điểm đến" được độc giả trong và ngoài nước chào đón, mong chờ. Tại đây, từng chi tiết trang trí nhỏ cũng được Ban tổ chức quan tâm nhằm nêu bật lên tinh thần Hà Nội như xếp sách thành các biểu tượng Lăng Bác, Chùa Một Cột… thu hút đông đảo độc giả đến tham quan, mua sách và chụp ảnh check in. Các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước cũng coi hoạt động tham gia Hội sách là một cơ hội để tiếp cận với bạn đọc và đánh giá cao các khâu chuẩn bị cũng như tổ chức cho không gian này. Chị Lê Thúy Hà, Cửa hàng trưởng Nhà sách Kim Đồng cho biết: “Địa điểm không gian Hồ Gươm thoáng mát, rộng rãi, hội sách có thiết kế đẹp, ấn tượng, được Ban tổ chức thông tin kịp thời tới độc giả và thời tiết ủng hộ nên thu hút được đông khách tham quan và mua sách. Chúng tôi rất vui vì năm nay lượng khách tham quan và mua sách đông hơn hẳn năm ngoái”. Nhà văn Đức Anh, đại diện Linh Lan Books cũng cho biết, không gian phố đi bộ Hồ Gươm tập trung rất đông người vào cuối tuần, với nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau có thể giúp sách tiếp cận đông đảo độc giả ở các độ tuổi, thậm chí là các quốc gia khác nhau. Một hoạt động không thể thiếu trong Hội sách nữa là giới thiệu sách mới, giao lưu, trò chuyện với các tác giả, dịch giả. Diễn đàn này không chỉ tạo cơ hội cho bạn đọc gặp gỡ các nhà văn, tác giả yêu thích mà còn thể hiện sự tôn vinh sáng tạo, đề cao tri thức và đảm bảo sự phát triển bền vững của sách. Bạn Trần Thị Thùy Dương (sinh viên) chia sẻ: “Là một người trẻ, em cũng đọc nhiều thông tin trên mạng internet nhưng em vẫn thích đi hội sách vì là dịp để em tiếp cận được nhiều loại sách khác nhau, không gian phố đi bộ còn rất chill và chụp ảnh cũng rất đẹp”. Những không gian văn hóa đọc như thế này ngày càng phát huy hiệu quả, người dân không chỉ được hòa mình vào không gian thiên nhiên tươi đẹp với hồ xanh, nắng vàng, hoa lá rực rỡ hòa quện với các nét văn hóa đặc trưng Hà Nội-tượng đài Lý Thái Tổ, Tháp Bút, Tháp Rùa, cầu Thê Húc…mà còn có thể tìm mua cho bản thân và gia đình, bè bạn những cuốn sách yêu thích như một món quà bổ ích. Bởi lẽ vậy, nhiều năm qua các hội sách của Thủ đô được tổ chức tại những địa danh kiến trúc, lịch sử như: Hoàng thành Thăng Long; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Công viên Thống Nhất…

Nhờ sự phát triển của công nghệ, đọc sách thời hiện đại có nhiều cách tiếp cận mới và thú vị, như sách điện tử (e-books) dần phổ biến vì người đọc có thể truy cập bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng; đọc sách âm thanh (audibooks) giúp người đọc tiết kiệm thời gian, có thể nghe sách trong khi làm việc khác; ảnh thư viện số và web sách trực tuyến cho phép bạn đọc tải sách miễn phí mà không cần đến thư viện truyền thống; sách tương tác kết hợp cả âm thanh, hình ảnh, video để tạo ra trải nghiệm đọc đa phương tiện…Trong đó, các không gian đọc sách cộng đồng (cả trực tuyến và trực tiếp) thu hút nhiều người tham gia với các hoạt động thảo luận, trao đổi sách, thậm chí cả việc biên tập và dịch sách. Trường học là nơi minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của xác lập không gian văn hóa đọc với thư viện được chăm chút cả về “nội dung” và “hình thức”, trở thành nơi lui tới thường xuyên và quen thuộc của các em học sinh sau giờ lên lớp. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường các hoạt động hướng dẫn đọc, review sách, thư viện mini tại các lớp, tuần lễ sách, giao lưu tác giả-tác phẩm, thi thiết kế bìa sách… nhằm xây dựng văn hóa đọc trở thành nhiệm vụ quan trọng và là nếp sinh hoạt của trường.

Các không gian công cộng khác như quán cà phê, bệnh viện, bến xe… cũng có thể đặt thêm giá sách để biến thành không gian văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách lúc rảnh rỗi cho mọi người. Thiếu tá Đào Tùng Lâm, Chính trị viên Tiểu đoàn KSQS 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Do quy định không được sử dụng điện thoại và mạng internet nên sách báo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với chiến sĩ của đơn vị. Chỉ huy đơn vị cũng tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ có thời gian đọc sách, báo và khuyến khích đọc các cuốn sách giá trị như pháp luật, kiến thức quân sự, hồi ký của các vị tướng… góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị và thư giãn lành mạnh sau giờ huấn luyện căng thẳng. Phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn hiện có hàng nghìn đầu sách và liên tục được cập nhật đáp ứng nhu cầu đọc và học tập của đơn vị.

Một câu nói “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi” của Nhà chính trị Mahatma Gandhi (Ấn Độ) cũng đã đủ cho thấy những kiến thức quan trọng, kinh nghiệm vô giá đều có trong những trang sách và văn hóa đọc của Thủ đô hay cả nước thì đều được xây nên từ thói quen đọc sách của mỗi người.

Trang Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ