A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đệ tử của Lang Liêu”

 

Mỗi lần đi qua Quán Gánh, huyện Thường Tín, tôi không thể không dừng chân để mua một ít bánh dầy về làm quà. Những chiếc bánh trắng, mịn, thơm lừng, thoang thoảng mùi nắng, gió của hạt gạo nếp cái hoa vàng đồng chiêm, được gói cẩn thận, vuông vức bằng chiếc lá dong tươi mát hấp dẫn tôi đến lạ kỳ. Những ai là khách hàng quen thuộc của Quán Gánh đều chung một cảm nhận: Bánh ngon, dẻo, đậm đà hương vị Tết đồng quê. Và điều thu hút hơn cả là giá cả phải chăng, các cô chủ hàng lúc nào cũng niềm nở, phục vụ khách tận tình. Bằng sự mến mộ, tôi quyết định về nơi có những “Đệ tử của lang Liêu” để tìm hiểu.

 

 

Bánh dầy Quán Gánh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Cơ sở sản xuất bánh dầy Hiền-Chiến do cặp vợ chồng mới chỉ hơn 40 tuổi đời nhưng có tới 25 năm tuổi nghề và tâm huyết giữ gìn, phát huy cái tinh túy của nghề làm bánh dầy truyền thống. Họ không hổ danh là “Đệ tử của Lang Liêu”, người con trai của Hùng Vương thứ sáu đã được truyền ngôi báu vì đã làm ra loại bánh dầy, bánh chưng thơm hương của trời đất, cây lá Việt Nam. Chúng tôi đến vừa lúc có đoàn khách thăm quan, trong đó có mấy vị khách nước ngoài. Với giọng Việt lơ lớ, một vị khách nước ngoài tấm tắc khen: “Ngon quá…giỏi quá”. Trời se lạnh mà trên mặt hai vợ chồng cùng những người giúp việc đều lấm tấm mồ hôi vì vừa tiếp khách, vừa làm việc cho kịp mẻ bánh đặt tiệc cưới ở tận Ba Vì. Theo yêu cầu của khách thăm quan, họ muốn được xem thao tác làm bánh và được thưởng thức bánh tại chỗ.

 

Chỉ khi trực tiếp chứng kiến chị Nguyễn Thị Hiền và anh Trần Văn Chiến thao tác những khâu làm bánh mới thấy hết lỗi nhọc nhằn của người tâm huyết với nghề. Một chiếc bánh nhỏ, trắng mịn, thơm ngon được làm ra, ăn chỉ một loáng là hết. Nhưng để làm ra chiếc bánh đó thì phải có hạt gạo nếp phù sa sông Hồng, có tiếng chày giã bánh thình thịch từ lúc gà gáy sang canh, có sự chăm chút lọc từng hạt đỗ, có sự tỉ mỉ rửa sạch, lau khô từng tàu lá dong, có thao tác nhịp nhàng, nhanh nhẹn, khéo léo, hợp ý nhau trong các khâu làm bánh. “Làm nóng, đóng nguội” là cụm từ chỉ kỹ thuật rất riêng của người làm bánh dầy. Vì thế không phải ngẫu nhiên người ta ví bánh dầy là kết tinh của sự tảo tần khuya sớm, sự tinh tế trong lao động của người dân Việt Nam có từ lâu đời…

 

Tay vừa thoăn thoắt gạt củi, chỉnh lửa ở hai nồi gang lớn thổi đỗ làm nhân, chị Hiền với đôi má chín mọng hơi lửa, vừa đảo đỗ vừa nói: “Thổi đỗ để làm nhân ngon thì chỉ đun củi, nấu bằng nồi gang thì đỗ mới chín ngon, thơm. Tuy hơi vất vả, nhưng dùng nồi điện không thể có nhân đỗ chín đều, bở, tơi như nồi gang được”.

 

Anh Chiến vừa đãi gạo để đồ xôi vừa vui vẻ nói: “Để có xôi ngon giã làm vỏ bánh, khâu đãi gạo, xóc gạo cũng rất bài bản, phải cẩn thận, sạch sẽ, xóc gạo nhiều lần. Riêng khâu này ông bà, cha mẹ truyền dạy bọn em rất tỉ mỉ. Chúng em thuộc như bản cửu chương vậy”.

Vừa lau mồ hôi, chị Hiền vừa nói: “Làm bánh rất vất vả, tất cả các thao tác đều phải nhanh nhẹn, sạch sẽ, cẩn thận. Ngày trước chúng em làm bằng phương pháp thủ công, không có máy móc hỗ trợ như bây giờ. Tất cả phải giã bằng chày tay. Giã được mẻ bánh là cả một sự nhọc nhằn. Nhiều lúc chúng em muốn bỏ nghề nhưng tiếc công sức của cha ông nên lại theo đuổi đến cùng”.

 

Chia tay những người tâm huyết với nghề, những “đệ tử của Lang Liêu”, chúng tôi thêm hiểu sâu sắc hơn về một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, bánh dầy Quán Gánh không chỉ xuất hiện trong mỗi dịp lễ hội, mà nó còn làm vừa lòng người khách tha phương dù chỉ tình cờ dừng chân hay một lần nếm thử. Và cứ mỗi độ Xuân về, bánh dầy cùng bánh chưng lại trở thành sản vật thiêng liêng không thể thiếu trên mâm cúng dâng lên các Vua Hùng. Đó cũng là nét văn hóa truyền thống của người Việt ta.

 

Phạm Thị Dần


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ