A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Vân Hội nhớ bánh gai ngày Tết

 

Khác với nhiều vùng quê ở Ba Vì, trong ngày tết Nguyên đán, các gia đình có nồi bánh chưng, người dân Vân Hội, xã Phong Vân lại làm thêm nồi bánh gai. Vân Hội là một làng Việt cổ. Người dân ở đây bao đời nay cần cù lao động, vất vả mưu sinh, nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhà nào cũng phảng phất hương vị bánh gai. Ông Phạm Văn Hái, một người dân ở Vân Hội cho biết: “Dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, gia đình ông cùng hàng xóm, láng giềng nhắm con lợn ngon, nuôi dân dã để ăn đụng. Ngoài ra, bánh gai không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên trong mỗi gia đình ở Vân Hội. Gia đình tôi năm nào cũng làm vài cân bánh gai”. Mặc dù làm bánh gai nhiều công đoạn khác nhau, mất nhiều thời gian nhưng các gia đình ở đây không bao giờ bỏ.

 

 

Làm bánh gai cũng nhiều công đoạn cầu kỳ.

 

Người dân tâm niệm, làm bánh gai trước tiên là thờ cúng tổ tiên; thứ hai là đem biếu những người cao tuổi, bậc ông cha mình để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục; đem cho con cháu, anh em họ hàng để thêm gắn kết tình cảm. Truyền thuyết về loại bánh này kể rằng: Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân nghèo. Vào một năm đói kém, mất mùa, họ phải đi tìm các loại lá cây mọc tự nhiên để ăn qua ngày. Và tình cờ, họ đã tìm thấy một loại lá cây mang về nấu với gạo ăn thì thấy dẻo, ngon và thơm. Họ bèn hái chúng, thái ra phơi khô và để dành để nấu với gạo. Từ dùng để thổi cơm, dần dần họ họ nghĩ ra cách lấy lá đó trộn với bột gạo nếp làm bánh ăn rất ngon, thơm lại để được lâu. Sau này, các thế hệ con cháu cải tiến từ gói bánh bằng lá chuối tươi đến gói bằng lá chuối khô để được lâu mà không bị mốc, hỏng. Rồi dần dần, cải thiện hơn, họ cho thêm một số loại thực vật khác làm nhân bánh và cuối cùng trở thành bánh gai như ngày nay.

 

 Là người làm bánh gai từ thời con gái, bà Đào Thị Kỳ, năm nay đã ngoài 60 tuổi cho biết: “Bánh gai được làm từ những nguyên liệu chính là lá gai, mật mía, bột gạo, đường, đậu xanh, dừa. Công đoạn làm bánh gai cũng khá phức tạp. Gạo nếp được vo sạch, ngâm qua đêm cho mềm trước khi xay thành bột. Bột sau khi xay được cho vào túi vải, buộc chặt, lấy vật nặng đè lên để nước thấm ra ngoài. Lá gai sau khi hái về, ngắt bỏ cuống, rửa sạch, luộc chín, vớt ra để ráo. Tiếp đến nghiền lá gai thành bột mịn trộn chung với bột nếp. Nhân bánh được làm từ đậu xanh hoặc dừa. Gói bánh rất đơn giản. Ép bột mỏng, cho nhân vào giữa, vo tròn lại, thoa một ít dầu lên lá chuối, gói bánh lại và đem đi hấp chín. Bánh gai được gói bằng lá chuối tiêu khô già tự nhiên, lau sạch, tước hết gân. Bánh phải gói bằng nhiều lớp lá để giữ cho hương vị được lâu. Để bánh gai ngon thì phải chọn lá gai tươi, sắc lá xanh đậm, không non không già. Nếu lá non quá thì không đủ bột lá, còn già quá lại nhiều xơ khó giã cho mịn. Người làm bánh Gai phải giã thật mịn nếu không bánh sau khi làm sẽ lợn cợn. Sau khi luộc và giã mịn bột gai lá sẽ có màu xanh đen rất đậm.

Ngày Tết làm bánh gai, ăn bánh gai cùng người thân trong gia đình thật ấm cúng. Mọi người thêm đoàn kết, yêu quý nhau hơn, cùng mong ước về năm mới nhiều may mắn.

 

Trần Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ