A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bánh cuốn Thanh Trì: Nét văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành

 

Thanh Trì là một phường thuộc quận Hoàng Mai, có làng làm nghề bánh cuốn nổi tiếng khắp vùng đất kinh Bắc. Từ bao đời nay, bánh cuốn Thanh Trì là một trong những món ăn ngon, đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Hà Nội, trở thành thương hiệu riêng của địa phương, được dân gian  truyền miệng: Xôi Tương Mai/Bún Tứ Kỳ/Bánh cuốn Thanh Trì/Cá rô Đầm Sét.

 

 

Bánh cuốn Thanh Trì một nét văn hóa ẩm thực Hà Nội.

 

Theo người dân địa phương, bánh cuốn Thanh Trì đã có lịch sử hàng trăm năm, do An Quốc, con trai Vua Hùng Vương thứ 18 về đây để dạy cho nhân dân. Hàng năm, vào ngày 2/3 Âm lịch, dân làng lại mở hội và cứ 4 năm, UBND phường Thanh Trì cùng các đoàn thể lại tổ chức cuộc thi tráng bánh. Đây là một điểm nhấn của lễ hội làng, đồng thời nhằm tôn vinh nghề truyền thống của người dân Thanh Trì.

 

Bánh cuốn làng Thanh Trì được chia làm 2 loại, một loại là bánh cuốn lá (chỉ có bột và hành lá) và một loại là bánh cuốn nhân thịt. Tìm hiểu các công đoạn làm bánh cuốn ở đây, chúng tôi thấy cũng khá công phu. Bà Hoàng Thị Lan (62 tuổi) chủ cửa hàng bánh cuốn ở số 30, phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì cho biết: “Đầu tiên là phải lựa chọn gạo thật kỹ lưỡng; gạo phải mua loại gạo tẻ ngon, ngâm chừng vài ba tiếng rồi vo sạch. Sau đó, gạo được xay thành bột nước. Giàn bếp lúc nào cũng phải có lửa nhưng mà không quá to để hơi bốc liên tục. Khi tráng, người thợ bánh múc một muôi bột nước nhỏ láng lên mảnh vải trắng viền tre, phủ trên nồi nước sôi nóng, đậy vung chờ khoảng 1 phút đến khi bột bánh chuyển màu trắng trong thì dùng một thanh tre nhỏ lấy bánh lên trải ra bàn, lá bánh càng mỏng, càng ngon. Sau đó, cắt làm đôi rồi nhanh chóng cuộn lại.

 

Một trong những bí quyết để có được những mẻ bánh ngon là chọn gạo ngon, gạo có ngon thì mặt bánh mới láng mượt. Khâu quan trọng là xay bột. Bột được xay nhuyễn nên mặt bánh cuốn mới được láng bóng, khiến thực khách chưa ăn đã thấy ngon rồi. Nếu bột loãng quá bánh sẽ nát, mà đặc quá bánh sẽ dày mình. Ngày nay, các công đoạn làm bánh cuốn đã được máy móc hỗ trợ, nhưng người dân Thanh Trì vẫn làm thủ công, họ làm nghề vì danh tiếng của làng.

 

Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt ở chỗ tráng mỏng, mềm, dẻo, trắng, mùi thơm của hành lá, nấm hương, mộc nhĩ. Khi thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì không thể thiếu chả quế và các gia vị như: Rau mùi, hành khô cùng bát nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm nức vị cà cuống đặc trưng. Tất cả làm nên hương vị đặc sắc của bánh cuốn Thanh Trì, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. Hiện nay, cả làng Thanh Trì có khoảng 100 hộ làm bánh cuốn. Các gia đình làm bánh cuốn không chỉ để phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân trong vùng mà còn nhận đặt hàng và giao hàng cho các nhà hàng trong nội thành Hà Nội. Bà Lan tâm sự: “Nhà tôi có 3 đời làm bánh cuốn, đến tôi là đời thứ 3, sống với nghề bánh cuốn đến giờ là trọn một cuộc đời”.

Có thể  thấy, bánh cuốn Thanh Trì là món ăn bình dân phù hợp với mọi đối tượng thực khách, vẫn giữ trong mình nét truyền thống, ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng của mình trong nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

 

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ