A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng chèo bên sông Đáy

 

Nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa, được phù sa bồi đắp màu mỡ, người dân xã Đại Thành, huyện Quốc Oai không chỉ giỏi làm nông nghiệp, phát triển kinh tế bền vững, xây dựng thành công thương hiệu giống “Nhãn chín muộn” mà còn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Ở đây, từ người già đến người trẻ đều biết hát chèo, nhất là các làn điệu chèo truyền thống. Những câu hát chèo thiết tha theo người dân đi khắp mọi miền, tham gia các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, đạt nhiều giải cao.

 

 

Chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xã Đại Thành, huyện Quốc Oai.

 

Một mùa Xuân mới đang về. Đây cũng là thời điểm các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) chèo thôn Tình Lam, xã Đại Thành bận rộn luyện tập các vở diễn để phục vụ nhân dân vui đón Xuân sang. Theo những “nghệ sĩ gạo cội” trong làng thì Đại Thành không phải là cái nôi sinh ra hát chèo nhưng hát chèo đã đi vào đời sống, vào miếng ăn giấc ngủ của người dân. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mai Nguyên (79 tuổi) tâm sự: “Tôi mê hát chèo từ năm 16 tuổi. Và cũng từ chính chiếu chèo mà tôi quen bà nhà tôi. 2 vợ chồng sinh được 3 người con, đứa nào cũng có năng khiếu ca hát, cả 3 đứa đều tham gia đội chèo của xã”. Nói về quá trình hình thành phong trào hát chèo của quê hương, ông Nguyên nhớ lại: Đội văn nghệ của xã tôi có từ năm 1954, đến năm 1960 thì chuyển sang hát chèo. Hạt nhân nòng cốt của đội chủ yếu là người dân thôn Tình Lam, được huyện Quốc Oai và tỉnh Sơn Tây (cũ) tuyển chọn cho đi học các lớp bồi dưỡng về nhạc lý và nghệ thuật hát chèo, rồi về phổ biến cho mọi người. Những làn điệu chèo thiết tha từ đấy “ngấm” dần vào trái tim người dân. Để rồi phong trào hát chèo ở đây cứ thế phát triển mạnh mẽ.

 

Sân khấu biểu diễn chèo ở Đại Thành cũng rất linh hoạt, khi thì trước cửa đình, khi thì ở sân nhà văn hóa. Các buổi diễn đều chật kín khán giả. Có buổi diễn Đội được tặng quà, có buổi không, nhưng tất cả đều vui vẻ, vì đã được “cháy” hết mình trên sân khấu. Họ tự tin hoá thân vào các vai diễn trong những vở chèo cổ nổi tiếng như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình-Dương Lễ, Hoàng Trừu kén vợ, Tấm Cám, Tống Trân-Cúc Hoa... đến những vở mang hơi thở cuộc sống đương đại như: Mất ví, Tiếng hát trên non Tản, Bông hồng làng Đại, Khi giặc đến nhà… để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Đặc biệt, năm 1979, đội chèo xã Đại Thành đã được Đài Tiếng nói Việt Nam mời diễn vở chèo “Bông hồng làng Đại” để thu âm và phát sóng.

 

Từ năm 2009, xã Đại Thành thành lập CLB Văn hóa và thể thao, với hơn 60 thành viên, hát chèo là trung tâm của CLB. Thành viên của CLB đủ các thế hệ, từ những học sinh phổ thông tới những cụ già bảy mươi, tám mươi tuổi. CLB đã tham gia “thử sức” ở nhiều hội thi từ xã, huyện đến Thành phố. Chèo Đại Thành đã đạt những giải cao như hai giải A2 trong Liên hoan Sân khấu chèo không chuyên Hà Nội mở rộng năm 2010, 2011; giải Nhất Hội thi hát chèo huyện Quốc Oai. Tháng 1-2012, Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội quyết định thành lập CLB UNESCO nghệ thuật hát chèo Quốc Oai, lấy hạt nhân là chiếu chèo và nhạc lễ Đại Thành. Đây là sự động viên, khích lệ để diễn viên CLB tiếp tục cống hiến, giữ gìn nghệ thuật hát chèo truyền thống, làm cho văn hóa Thủ đô càng đậm đà, giàu bản sắc.

 

Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp cho bộ môn nghệ thuật chèo, năm 2015, 3 người trong CLB chèo thôn Tình Lam được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Với sự giúp đỡ của Nhà hát Chèo Hà Nội trong việc truyền dạy và hỗ trợ trang phục, nhạc cụ, sự tâm huyết của các nghệ nhân, chiếu chèo ở Đại Thành luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Các diễn viên không chỉ hát hay, đàn giỏi mà biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ nhiệm CLB chèo cho biết: “Hiện nay, CLB có 75 người tham gia. Kinh phí hoạt động của CLB do anh chị em “nghệ sĩ” tự góp tiền, góp công luyện tập để đến hội làng, hội xã ra biểu diễn cho bà con xem. Cuộc sống với bộn bề công việc mưu sinh, việc tập trung quân số để luyện tập, biểu diễn là khó khăn thường gặp của CLB. Tuy vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát chèo truyền thống độc đáo của dân tộc cho các thế hệ mai sau”.

 

Hữu thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ