A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phố đi bộ Hồ Gươm: Nghệ thuật và văn minh đường phố

 

Chưa đến 19 giờ thứ Bảy mà tuyến phố đi bộ thí điểm cuối tuần quanh Hồ Hoàn Kiếm đã tấp nập. Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc…in bóng mặt hồ lung linh, huyền ảo. Một cặp đôi cô dâu, chú rể đứng tạo dáng cho bộ ảnh cưới của mình trước Tràng Tiền Plaza. Một nhóm bạn trẻ ngồi tụm năm tụm ba giữa đường chụp ảnh để “check in”. Cặp vợ chồng trẻ bế đứa con chừng hơn một tuổi trên tay thong thả tản bộ, ánh mắt bé con tròn xoe chăm chú vào những dãy đèn đủ màu. Trên vỉa hè, hai cụ ông mặc đồ thể thao vừa đi thể dục, vừa trò chuyện về đứa con ở nước ngoài sắp về ăn Tết… Nét mặt ai cũng rạng rỡ tạo nên một không gian vừa quen, vừa lạ xung quanh Hồ Gươm.

 

 

Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội.

 

Vừa để mắt trông chừng cháu nội 3 tuổi rất hiếu động đang tung tăng chạy giữa lòng đường Đinh Tiên Hoàng rộng rãi, sạch sẽ, bà Vũ Thị Quý (52 tuổi, đã về hưu, sinh sống tại số nhà 37, TT19, Khu đô thị Văn Phú) vui vẻ cho biết: “Cứ một đến hai tuần, tôi lại cùng chồng con và các cháu lên phố đi bộ Hồ Gươm để đi dạo và vui chơi cuối tuần. Trước kia, thỉnh thoảng tôi cũng lên khu vực này đi bộ quanh Hồ nhưng khi triển khai thành tuyến phố đi bộ như thế này, lại có thêm nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ đường phố, tôi thấy vui và ý nghĩa hơn. Cháu nội tôi cũng thích lắm”.

 

 

Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm.

 

Không chỉ vừa lòng những du khách đã có tuổi cần tìm một không gian thoáng mát để tản bộ thư giãn sau những căng thẳng, lo toan của cuộc sống thường ngày, tuyến phố đi bộ Hồ Gươm dường như được lòng tất cả mọi người và mỗi người lại tận hưởng nó theo một cách riêng. Rất đông thanh niên quây thành vòng tròn, mắt dán vào gần chục chiếc xe ô tô mô hình đủ chủng loại được thiết kế tinh tế đang lượn trên những xa lộ thu nhỏ. Đây là một nhóm chơi Radio Control. Bạn Linh, 24 tuổi, một thành viên của nhóm cho biết, trước đây các bạn thường tụ tập chơi ở khu Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội nhưng thường bị lực lượng giữ gìn an ninh trật tự nhắc nhở vì chiếm diện tích lòng đường. Từ ngày triển khai thí điểm tuyến phố đi bộ, nhóm có chỗ chơi thoải mái nên cứ cuối tuần là lên đây. Đối với trò chơi xe mô hình này, không gian càng rộng, càng phẳng thì càng tốt nên đường Đinh Tiên Hoàng đúng là một nơi lý tưởng cho các bạn. Đang dang dở câu chuyện với tôi, nhóm bị lực lượng bảo vệ nhắc nhở vì đã vô tình làm tắc đường đi bộ. Họ nhanh chóng thu dọn xe mô hình chuyển vào khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ.

 

Sôi động nhất là khu vực gần Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và Tháp Bút, nơi đang diễn ra các trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, nhảy sạp… Các trò chơi này được tổ chức bởi các bạn tình nguyện viên đến từ Câu lạc bộ MyHanoi (Hà Nội của tôi). Bạn Phạm Đức Minh, sinh viên năm nhất của trường Đại học Hà Nội, tình nguyện viên trò chơi kéo co chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của em là tổ chức những trận kéo co tự do, không phân biệt lứa tuổi và số lượng thành viên giữa hai đội, thắng thua không còn quan trọng, mà điều mọi người muốn là trở về tuổi thơ trong chốc lát”. Tôi thấy thật đúng như lời Minh nói, tất cả mọi người, cả người kéo và người cổ vũ đều thực sự vui vẻ. Các ông bố, bà mẹ tích cực khuyến khích con em mình bước vào tranh tài, còn mình đứng ngoài hò reo cổ vũ. Khu trò chơi dân gian rất đông nhưng rất văn minh, trật tự, mọi người tự giác xếp hàng chờ đến lượt, chủ động hướng dẫn và nhường nhịn các em nhỏ, không có bất kỳ hiện tượng chen lấn, xô đẩy nào. Anh Lê Duy Khánh, nhân viên truyền thông, thường trú ở quận Đống Đa vừa nắm cả đống sỏi trên tay để dạy cô con gái 5 tuổi chơi ô ăn quan, vừa nói với tôi: “Mình đã từng chơi những trò này hồi nhỏ, khi còn sống ở quê nhà. Chưa bao giờ mình nghĩ lại có thể chơi lại nó giữa đường phố lớn ở Thủ đô như thế này, cảm giác rất thú vị”. Những trò chơi dân gian thường được Câu lạc bộ MyHanoi tổ chức 2 ca: Sáng từ 8 giờ 15 đến 12 giờ, chiều từ 15 giờ 30 đến 22 giờ thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Qua đó truyền tải một thông điệp, hãy luôn yêu quý và gìn giữ những giá trị truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Nếu tản bộ đã mỏi chân, bạn có thể rẽ vào xem một nhóm nhạc biểu diễn. Phong cách chơi nhạc của những nhóm này cũng rất đường phố: Không cần sân khấu, chỉ cần một chiếc loa tăng âm, nhạc cụ cũng đơn giản, gọn nhẹ nhất có thể. Thú vị nhất là ban nhạc dân tộc lại chơi những bài hiện đại còn ban nhạc cổ điển lại chọn thể hiện nhưng ca khúc quê hương Việt Nam, vì thế dễ dàng bắt gặp cây đàn nhị kéo bài “Chú voi con ở Bản Đôn” phục vụ các em nhỏ và nghệ sĩ violon chơi một bản nhạc đỏ. Ngồi cạnh tôi trong đám đông khán giả chăm chú xem các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn trước Nhà tam quan, Đền Ngọc Sơn là ông Vũ Xuân Trường, 64 tuổi, một du khách đến từ tỉnh Lào Cai. Trước thắc mắc của tôi về việc ông ngồi luôn lên trên nền vỉa hè dù đang mặc bộ com-lê rất sang trọng, ông trả lời: “Tôi đi ngang qua Nhà tam quan thôi, không định rẽ vào xem đâu nhưng các nghệ sĩ hát đờn ca tài tử hay quá nên bị thu hút. Mà ngồi vỉa hè xem hát trực tiếp thế này giống ngày xưa lắm, cái hồi mà tôi còn là đứa trẻ ngồi xem hát ở sân đình ấy”. Nói xong, ông nhanh chóng quay lại thưởng thức các điệu lý, điệu Bắc, hơi Xuân, vọng cổ…do NSND Thanh Hương, NSƯT Mỹ Vân, Xuân Tiến và các nghệ sĩ trẻ Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn. NSƯT Đào Văn Trung, Chỉ đạo chương trình biểu diễn trên phố đi bộ cho biết: “Yêu cầu của âm nhạc đường phố là giới thiệu được bản sắc của dân tộc địa phương nên Đờn ca tài tử cũng là một loại hình rất phù hợp để phục vụ bà con, du khách ở đây, nó đã phá tan suy nghĩ cải lương chỉ phát triển trong miền Nam. Âm thanh truyền thống thực sự đã níu chân được du khách, nhiều đôi tai nghe nhạc tinh tường đã phát hiện ra khi đi ngang qua, và nán lại. Đêm diễn nào chúng tôi cũng được khán giả hưởng ứng nhiệt tình, vỗ tay tán thưởng, xin được chụp ảnh kỷ niệm với nghệ sĩ và mong muốn đêm nhạc kéo dài hơn”.

 

Trời đã về đêm nhưng dòng người tấp nập trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm không có dấu hiệu ngớt khiến cái giá lạnh mùa Đông như được xua tan. Các em nhỏ liên tục được bố mẹ giục về nhưng còn cố “không về đâu, chơi nữa cơ”; các cặp đôi vẫn còn xiết chặt tay nhau tung tăng đi dạo như muốn con đường đi bộ văn minh, đẹp đẽ này kéo dài mãi…Mặc dù còn những hạn chế như sinh hoạt người dân trong khu phố bị ảnh hưởng, bắt đầu xuất hiện quá nhiều dịch vụ mua bán, cho thuê khó kiểm soát nhưng tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nơi vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân Thủ đô. Hy vọng trong năm mới 2017, thành phố Hà Nội nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại để tuyến phố đi bộ trở thành không gian văn hóa đầy ý nghĩa của Thủ đô.

 

Ngọc trâm anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ