A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di cư nội địa

 

Di cư nội địa là xu hướng người lao động từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa di cư ra thành thị và các khu công nghiệp tìm kiếm việc làm. Xu hướng này xảy ra ngày càng phổ biến ở nước ta, bởi sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một mặt giảm bớt đáng kể diện tích đất đai sản xuất, mặt khác tạo ra lượng lớn việc làm phi nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động ngày càng tăng và có tính rộng khắp trên các vùng, địa phương trong cả nước.

 

 

Nhiều lao động nông thôn ra thành thị tìm kiếm việc làm.

 

Kết quả của cuộc Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015, được Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố vào sáng 16/12/2016 cho thấy: Có tới 13,6% tổng dân số là người di cư (chỉ tính trong 5 năm gần đây). Tỷ lệ phụ nữ di cư nhiều hơn nam giới. Tuổi của người di cư năm 2015, phần lớn tập trung vào nhóm trẻ (15-39 tuổi) chiếm tỷ trọng 84% so với tổng số người di cư. Nếu so với cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2004 thì con số này cao hơn nhiều (điều tra năm 2004 là 79%).

 

Đông Nam bộ là nơi có tỷ trọng người di cư đang làm việc (87,8%) cao nhất cả nước, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng (81%), đây là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc. Kết quả điều tra cho thấy đa số người di cư có việc làm ở nơi đến. Phần lớn những người không có việc làm là những người di cư vì lý do học tập. Trong thực tế nhiều người trẻ đã di cư tới thành thị nơi có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học ở các bậc học cao hơn.

 

Chỗ ở là khó khăn phổ biến của người di cư, hầu như chỉ nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, họ hàng, bạn bè, ít nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, cơ quan và đoàn thể nơi đến.

Theo đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc, cùng với sự phát triển của giao thông, truyền thông, càng ngày càng có thêm nhiều người mong muốn và có khả năng di cư đến nơi ở mới. Việt Nam đang giảm sinh nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, di cư nội địa trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình biến động dân số.

 

Việc người lao động di cư trong bối cảnh hiện nay là xu hướng tất yếu, có vai trò to lớn đối với nơi xuất cư cũng như nhập cư lao động. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm chưa đúng về vai trò của người lao động di cư; chính sách xã hội đối với lao động di cư cũng còn những bất cập, chưa đáp ứng thực tiễn xã hội. Cần có nhận thức đúng về vai trò của người lao động di cư và có chính sách phù hợp cho đối tượng này. Đó là tạo cơ hội việc làm đối với nơi lao động xuất cư. Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy người lao động di cư là lý do kinh tế. Chính sách phát triển các khu công nghiệp đồng đều ở các vùng sẽ phân tán lao động dư thừa nông thôn, giúp họ có việc làm ngay trên quê hương. Đây là mô hình “ly nông bất ly hương” đã được áp dụng khá nhiều trong thời gian qua.

 

Cần có chính sách đảm bảo tính pháp lý định cư đối với nơi nhập cư lao động. Chính quyền địa phương cần quan tâm đến đối tượng này nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho họ về nhà ở, việc học hành của con em, dịch vụ khám chữa bệnh và các dịch vụ công khác. Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay mà người lao động di cư phải vượt qua để được bình đẳng như người dân địa phương là hộ khẩu thường trú. Vì vậy cần thay đổi các thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, công bằng cho người lao động di cư. Tích cực bảo đảm việc thực hiện an sinh xã hội đối với lao động di cư.

 

Di cư nội tỉnh và giữa các tỉnh đang gia tăng nhanh chóng, có mối liên hệ chặt chẽ giữa di cư và phát triển, đặc biệt trong cải thiện đời sống kinh tế, môi trường bình đẳng, sức khỏe sinh sản và những rủi ro khác...Những kết quả này cần được sử dụng trong việc tư vấn, hoạch định chính sách và phát triển dựa trên những bằng chứng ở cấp trung ương và địa phương.

 

Hoàng Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ