A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Iran có vi phạm Nghị quyết Liên hợp quốc về kiểm soát hạt nhân?

 

QPTĐ-Phát biểu với báo giới ở New York, sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (12-12), Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo cáo buộc Iran vẫn đang tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển hệ thống tên lửa, nhất là các vụ phóng tên lửa thử nghiệm kể từ sau khi Tehran và Nhóm nước P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015; đồng thời, kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) gia tăng các biện pháp gây sức ép, buộc Iran phải lập tức dừng hẳn chương trình phát triển tên lửa. 

 

 

Tên lửa Shahab của Iran trong một đợt phóng thử nghiệm. 


Trước đó (3-12), Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố, việc Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung mang nhiều đầu đạn hạt nhân là hành động khiêu khích, gây mất ổn định khu vực. Tiếp theo đó, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo lên tiếng, tái cam kết sẽ đương đầu với mối đe dọa do Iran gây ra thông qua việc gây sức ép tối đa lên Tehran. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Iran đã tiến hành một vụ thử hạt nhân mới? Trước đề nghị nóng bỏng của Mỹ, Anh, Pháp, Hội đồng Bảo an LHQ (4-12) nhóm họp kín, thảo luận về việc “Iran phóng tên lửa tầm trung, vi phạm một nghị quyết của Liên hợp quốc”? 


Vậy, đâu là sự thật? Iran có ý đồ gì khiêu khích Mỹ và phương Tây? Tại sao Iran lại dám công khai vi phạm nghị quyết của LHQ, trong khi Tehran đang là mục tiêu tấn công của Mỹ và đang bị các đồng minh Mỹ ở Trung Đông, vùng Vịnh gây áp lực cả về kinh tế, quân sự? 


Trong hơn một thập kỷ qua, Iran chịu sức ép về kinh tế và ngoại giao, các lệnh cấm vận của Mỹ và LHQ bởi chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của nước này. Tháng 7-2015, Nhóm nước P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc (5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ) và Đức ký với Iran Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân).

 

Theo đó, Iran cam kết từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân; ngừng các hoạt động làm giàu uranium; đóng cửa, tháo dỡ các cơ sở nghiên cứu, sản xuất hạt nhân dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đổi lại, Mỹ và LHQ từng bước dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iran, trả lại tài sản của Iran bị phong tỏa tại các ngân hàng quốc tế trị giá hàng trăm tỉ USD; được phép xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và tham gia hợp tác thương mại đầu tư toàn cầu; Liên hợp quốc xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran... 


Sau 3 năm thoát khỏi cấm vận, nền kinh tế của đất nước Hồi giáo này có bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ. Iran thu hút hàng trăm dự án khủng từ các nhà đầu tư Liên minh châu Âu (EU) như Anh, Pháp, Đức, Italy và Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Trong khi ngành dầu khí nhiều nước khốn đốn vì dầu mỏ sụt giá, Iran vươn lên đứng thứ 3 trong các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

 

Đáng chú ý, Chính phủ Hồi giáo Tehran sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố ở Syria. Tehran được xem là lực lượng hậu thuẫn Tổ chức Hezbollah-Libang và lực lượng Huothi ở Yemen, bảo vệ Chính phủ Hoàng gia Qatar; trong khi Israel, Arab Saudi và các nước vùng Vịnh-Đồng minh của Mỹ ra sức phản đối. Có lẽ, đây là nguyên có chính để Tổng thống Mỹ D.Trump gọi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran dưới thời người tiền nhiệm B.Obama là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”? 


Sau hơn 1 năm cầm quyền, tháng 5 vừa qua, Tổng thống D.Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Nhóm nước P5+1 ký với Iran. Nhà Trắng chỉ đạo áp 2 lệnh trừng phạt vào Iran trong năm 2018, gần đây nhất là lệnh trừng phạt gia tăng, có hiệu lực từ ngày 4-11, nhằm vào các lĩnh vực chế tạo ô tô, buôn bán vàng, kim loại quý, giao dịch ngân hàng-USD, năng lượng và dầu mỏ; cô lập Iran trên trường quốc tế; hàng trăm thực thể, quan chức, doanh nghiệp Iran bị đưa tên vào danh sách cấm vận. Nhà Trắng và các quan chức Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc đưa ra nhiều cáo buộc Chính phủ Iran tài trợ khủng bố, gây ảnh hưởng ở Trung Đông.


Trong tuần qua, Ngoại trưởng M.Pompeo đưa ra bằng chứng, Iran có 10 hệ thống tên lửa đã được biên chế và đang phát triển, với hàng trăm tên lửa có thể gây đe dọa cho các đối tác của Mỹ tại khu vực. Đây là hành vi vi phạm Nghị quyết 2231 của LHQ về kiểm soát chương trình tên lửa, hạt nhân cỉa Tehran. Ông M.Pompeo bày tỏ sự phản ứng Liên minh châu Âu đang nỗ lực cứu sự đổ vỡ Kế hoạch JCPOA và khuyến cáo, Hội đồng Bảo an LHQ không nên dỡ lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran vào năm 2020. 


Đáp trả lại Mỹ, Đại sứ Iran tại LHQ E.Al-Habib cho rằng, tên lửa của Iran chỉ nhằm mục đích phòng vệ và không có vũ khí hạt nhân đi kèm. Trước đó, Tổng thống Iran H.Rouhani lên án Mỹ đang thực hiện chính sách thù địch, âm mưu lật đổ Chính phủ hợp hiến Tehran.


Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề chính trị R.Carlo khẳng định, thỏa thuận Iran vẫn có hiệu lực; đồng thời, kêu gọi các nước thành viên ủng hộ, tránh có các hành động làm suy yếu Kế hoạch JCPOA. Các quan chức EU cũng ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, bất chấp thái độ của Mỹ. Cơ quan Năng lượng nguyên tử (IAEA) ghi nhận, Iran đã và đang tuân thủ đúng Kế hoạch JCPOA. Trong khi Đại sứ Pháp tại LHQ F.Belattre kêu gọi các bên ủng hộ Kế hoạch JCPOA, coi đây là nền tảng để cùng nhau hoạch định một chiến lược dài hạn cho khu vực. 


Đại sứ Nga tại LHQ V.Nebenzia đưa ra tuyên bố, không có bằng chứng nào cho thấy việc tên lửa đạn đạo của Iran có thể chứa đầu đạn hạt nhân và kêu gọi Tehran sẵn sàng cho các hoạt động đối thoại xung quanh chủ đề này. Tại Moskva, Thư ký báo chí Điện Kremlin D.Peskov tuyên bố, Nga thấy không có sự lựa chọn nào thay thế cho thỏa thuận hạt nhân Iran; đồng thời, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các bước đi có thể đẩy Tehran rút khỏi thỏa thuận này. 


Các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông, gần đây, có nguy cơ lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại sau cáo buộc có sự hậu thuẫn của Mỹ, Nga, Iran, Arab Saudi cho các phe phái mỗi nước. Vì vậy, căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran bùng nổ cũng là điều dễ hiểu!


    NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ