A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khí thế Điện Biên ở Trường Sa

 

QPTĐ-Cùng Đoàn công tác thành phố Hà Nội  ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 những ngày tháng 4, chúng tôi cảm nhận thấy tinh thần vượt khó, “khí thế Điện Biên Phủ” lan tỏa trên các đảo. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ra sức thi đua, quyết tâm giành nhiều thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954–7/5/2019), 44 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975-29/4/2019), xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực trong quan hệ quân dân”.

 

 

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Ra sức luyện quân, lập công, quyết thắng


Trung tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, từ ngày 1/4, đơn vị đã tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019) với chủ đề: “Luyện quân, lập công, quyết thắng”, trong đó tập trung thực hiện các nội dung cơ bản: Giáo dục, tuyên truyền ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, truyền thống của dân tộc, quân đội; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ vững ý chí, chắc niềm tin, nêu gương, trách nhiệm; chủ động, sáng tạo thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chúng tôi đã quán triệt các nội dung, tiêu chí thi đua đến từng CBCS; tổ chức đăng ký, giao ước thi đua với chương trình hành động cụ thể, sát điều kiện thực tế của đảo. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, ôn lại những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, làm cho CBCS thêm tự hào, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy tinh thần, hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

 

Tuần tra trên đảo Sơn Ca.


Thi đua cùng đảo Sinh Tồn, CBCS trên đảo Song Tử Tây đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đơn vị đẩy mạnh Phong trào thi đua “Tuổi trẻ đảo Song Tử Tây xung kích làm chủ vùng biển”; thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp huấn luyện gắn với rèn luyện kỷ luật. Đảo thường xuyên luyện tập các kế hoạch, phương án chiến đấu, qua đó, cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tình huống và nhiệm vụ, rèn luyện bản lĩnh, tác phong và hành động chiến đấu, nêu cao ý thức địch tình. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao luôn diễn ra sôi nổi nhằm động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội. Binh nhất Nguyễn Trọng Hiếu, quê ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, chia sẻ: “Tôi tự hào là người con Thủ đô được góp sức bảo vệ tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi sẽ cùng đồng đội ra sức thi đua “Luyện quân, lập công, quyết thắng”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác được giao”.


Không chỉ ở các đảo nổi, tại các đảo chìm như: Đá Nam, Cô Lin, Đá Đông A, Đá Thị, Đá lớn C, dù là điểm đảo nhỏ nhưng Chi đoàn Thanh niên của đảo hoạt động rất hiệu quả. Ngoài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên các đảo còn làm tốt công việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi tại đảo nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn; xếp đặt nội vụ gọn gàng, ngăn nắp; tổ chức luyện tập văn nghệ để giao lưu với các anh chị em văn nghệ sỹ trong Đoàn, với những tiết mục được chuẩn bị đặc sắc, ca ngợi quê hương, biển đảo, sức sống, sự cống hiến của tuổi trẻ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

 

Nơi giáo dục lòng yêu nước 


Trong hành trình thăm đảo Sơn Ca, một đảo có cảnh quan xanh-sạch-đẹp, chúng tôi được tham quan công viên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Công viên được thiết kế mở và hướng ra biển, khuôn viên có nhiều cây xanh và là điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa của CBCS trên đảo. Thượng tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: “Hàng tuần, Liên chi đoàn đều tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tổng dọn vệ sinh công viên thực hiện Cuộc vận động “Ngày thứ 7 tình nguyện”. Hàng tháng, các chương trình sinh nhật đồng đội, hoạt động ngoại khóa của chi đoàn, chương trình luyện tập văn nghệ để giao lưu với các Đoàn công tác tới thăm đảo đều được tổ chức tại công viên... Không gian công viên rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, CBCS cảm thấy khí thế thi đua lên cao”. 


Đặc biệt, trong công viên, có một bức phù điêu hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau tượng Đại tướng. Trên hai cánh bức phù điêu gắn 300 bức ảnh tư liệu lịch sử. Các bức ảnh trên bức tường được sắp xếp công phu theo trình tự lịch sử, thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với lịch sử QĐND Việt Nam, từ ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo khi ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam; những chiến dịch, trận đánh và những chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Tại đây, chúng tôi tổ chức dâng hương, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã có công lớn trong việc ra quyết định sáng suốt giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca được giải phóng ngày 25/4/1975. 


Chia tay CBCS Trường Sa, chúng tôi sẽ còn nhớ mãi những người lính tuổi đôi mươi xa gia đình, lấy đảo là nhà, biển cả là quê hương, đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền là lẽ sống; nhớ khí thế thi đua với tinh thần Điện Biên nơi đầu sóng, ngọn gió và nhớ công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để CBCS Trường Sa vững tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ