A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tướng Phạm Hồng Cư trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

 

“9 năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”

QPTĐ-Đã 65 năm trôi qua nhưng tới hôm nay, Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị. Và để hiểu hơn ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch, chúng tôi đã tìm gặp một nhân chứng lịch sử đã từng đi qua khoảnh khắc không bao giờ quên. Dù năm nay đã 94 tuổi nhưng ông vẫn thực sự minh mẫn. Người chúng tôi nhắc đến là Trung tướng Phạm Hồng Cư-Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

 

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể về những ký ức hào hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ảnh: Hoàng Hải

 

Phóng viên: Có rất nhiều nhân tố quyết định đến Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng theo ông đâu là nhân tố then chốt, thưa Trung tướng?


Trung tướng Phạm Hồng Cư: Để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có nhiều yếu tố quyết định, chẳng hạn sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề đại đoàn kết toàn dân, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nhưng nhân tố trực tiếp quyết định đến thắng lợi chính là việc thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đây chính là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cho tới sau này, thế hệ chúng tôi gặp lại đều nhận định, nếu lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thay đổi cách đánh thì không có chiến thắng và thế hệ chúng tôi chắc đang nằm lại cánh đồng Mường Thanh, chứ không có mặt trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bây giờ.


Phóng viên: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và đặc biệt là ngày 7-5, ông đang làm gì và cảm xúc của người chiến binh khi đó là như thế nào thưa ông?


Trung tướng Phạm Hồng Cư: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Phó Chính ủy Trung đoàn 306, Đại đoàn 308 đánh ở hướng Tây. Đang thực hiện nhiệm vụ tại đây, đơn vị tôi được lệnh của trên hành quân sang Lào, tôi và đồng chí Trung đoàn trưởng Hồng Sơn khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ (mặc dù trong tay chúng tôi khi đó chỉ có 6 làn gạo), chúng tôi phái cán bộ dân vận đi trước, liên hệ nhân dân Lào để họ giúp mình chút lương thực trên đường tiến quân. Sau 20 ngày, khi đơn vị tiến sát đến Luông Pha Băng thì chúng tôi nhận được lệnh của Đại tướng-Tổng Tư lệnh Chiến dịch quay về Điện Biên Phủ ngay. Lúc đó thật sung sướng, vì biết Chiến dịch chuẩn bị xong rồi, do sợ về không kịp nên suốt quãng đường, anh em vừa đi, vừa chạy.

 

Chiều ngày 13-3, chúng tôi về tới Điện Biên Phủ. Tại đây, có một cảnh tượng chưa từng xảy ra, pháo binh của ta cấp tập vào đồn Him Lam, Sở Chỉ huy của Mường Thanh, khói lửa ngút trời, đến nỗi bộ đội vừa đi, vừa chạy, vừa hoan hô pháo binh. Tiếp đó, đơn vị 312 tiêu diệt vị trí Him Lam, Trung đoàn 88 và 1 trung đoàn nữa của 312 tiêu diệt đồi Độc Lập. Trung đoàn tôi được lệnh tiến vào bao vây Bản Kéo-người Pháp gọi là Anne Marie (có hai cứ điểm là Anne Marie 1 và 2), do một tiểu đoàn Thái rút từ Lai Châu về nắm giữ. Đảng ủy Trung đoàn nhận định: Sau hai thắng lợi tại đồi Him Lam và Độc Lập, Tiểu đoàn Thái quan sát thấy sự thất bại của những tiểu đoàn sừng sỏ của Pháp là Anne Marie và Lê Dương, thì họ hoàn toàn có khả năng địch vận-gọi hàng. Đơn vị giao cho tôi thực hiện nhiệm vụ này. Tôi liên hệ với đồng chí Lò Văn Hạc, phụ trách chính quyền địa phương xin bố trí cho 1 người biết tiếng Thái để có thể gọi loa vào đồn. Đồng chí cử một cán bộ nữ 22 tuổi. Cô rất hăng hái và yêu cầu chúng tôi bố trí 1 hố, cộng với 1 tiểu đội bảo vệ. Tôi nói, sẽ làm cho cô hẳn 1 trận địa, cùng với 1 đại đội bảo vệ nên cô cứ việc bình tĩnh gọi loa vào đồn.


Có một sự kiện xảy ra là Trung đoàn 88 được lệnh của cấp trên trao trả người Anne Marie bị thương. Đồng chí Duy Liêm-cán bộ địch vận của Đại đoàn đến, tôi và đồng chí cùng thảo 1 thư bằng tiếng Pháp báo cho tay chỉ huy đồn bản Kéo-Anne Marie: Yêu cầu phái 10 cáng ra bờ suối phía trước đồn, chúng tôi sẽ trao trả 10 người bị thương. Đúng thời hạn có 20 người lính Thái cầm 10 cáng ra. Cô cán bộ địch vận nhanh chóng tiếp cận ngay với số người Thái đó, cô thuyết phục, đồng thời đưa cho mỗi người một thếp truyền đơn, khuyên về với cách mạng và nhân dân, không tội gì chết thay cho người Pháp. Tiếp đó, tôi nhớ vào ngày 15 là trả tù binh. Đêm hôm đó, cô trực tiếp gọi loa. Có một cảnh tượng tôi không thể tưởng tượng được: Giữa chiến trường buổi đêm vang lên tiếng phụ nữ-điều chưa từng có trên chiến trường nhưng rất hiệu quả (nội dung kêu gọi lính Thái về với gia đình, cách mạng); trong đồn im phăng phắc chứng tỏ chúng nghe chăm chú. Ngay hôm sau có cuộc phản chiến, binh lính Thái đòi Đồn trưởng phải trả lương và mở cửa cho họ thoát ra ngoài.

 

Cũng trong thời điểm đó, ta bắn 20 phát pháo vào đồn, lợi dụng cơ hội chỉ huy chui xuống hầm, tất cả Tiểu đoàn Thái mở cửa chạy về phía cách mạng và phía Mường Thanh. Mặc dù địch có bắn đuổi nhưng không có điều gì ngăn được bước chân của những người lính Thái. Như vậy, công việc địch vận ở bản Kéo thành công, không cần đánh mà thắng. Tiếp theo sự kiện ở bản Kéo, có lệnh của Đại tướng là tiến vào đào chiến hào. Chúng tôi tiến vào cùng với Trung đoàn 88 đào trận địa phía Tây, đơn vị 312 đào hướng Bắc, 316 đào hướng Đông, Trung đoàn 9 đào hướng Nam. Tôi được giao nhiệm vụ cùng với anh em đào hầm. 


(Sau này, tôi có kể sự kiện này với nữ nhà báo người Mỹ, bà nói: Các ông chỉ huy Trung đoàn đào hầm với lính? Thật gương mẫu!


Tôi trả lời: Ngoài việc gương mẫu, tôi phải biết theo sức của tôi, một đêm có thể đào được bao nhiêu mét hầm, từ đó mới có được tiêu chuẩn để giao nhiệm vụ cho người khoẻ hơn hoặc yếu hơn tôi.
Bà nhà báo khen: Các ông sát thực tế!)


Sau 20 ngày, cả một trận địa bao vây Điện Biên Phủ đã hình thành, bắt đầu từ ngày 1-4, đợt tiến công thứ hai bắt đầu. Đợt này kéo dài suốt 1 tháng, mục tiêu của ta đánh các điểm cao phía Đông, A1, C1, C2, D, E. Các vị trí thuộc Trung đoàn 98, 174 đảm nhiệm đều thắng lợi, riêng đồi A1, ban đêm chúng rút, ban ngày chúng lại lên. Nguyên nhân, chúng có hầm ngầm từ thời kỳ Nhật nên Pháp lợi dụng kéo dài trận A1 suốt 1 tháng.

 

Do đó, đơn vị 316 đề nghị với Đại tướng cho đào đường hầm dưới A1, đặt 1.000kg bộc phá để nổ tung hầm ngầm, lúc đó ta chiếm được vị trí. Đề xuất được phê chuẩn, chúng tôi được lệnh là 20 giờ ngày 6-5, quả bộc phá sẽ nổ. Chúng tôi ở hướng Tây rất phấn khởi nhưng không biết bộc phá nổ to như vậy mình bịt tai hay phải quay lưng lại. Nhưng thực tế khi bộc phá nổ chỉ ụp một cái vì ở sâu quá. Đấy cũng đồng thời là lệnh tổng công kích, tất cả các hướng suốt đêm mồng 6 và cả ngày mồng 7 ào ạt tiến quân. Đơn vị 312 đánh hướng Bắc, tới sát vị trí của Sở chỉ huy, đơn vị 316 giải quyết tất cả cao điểm phía Đông, chúng tôi tiêu diệt các vị trí phía Tây. Sau này, anh Hoàng Đăng Vinh trực tiếp bắt sống tên Đờ-cát kể lại: Không những nó ngồi, nó còn định bắt tay nhưng anh ấy giơ súng lên và hô nó phải đứng dậy… 


Lúc đó có một cảnh tượng không thể tả được, dưới cánh đồng Điện Biên, rất nhiều cánh tay giơ khăn mùi xoa trắng, may ô trắng, dù trắng vẫy. Bộ đội ta đứng cho họ ra hàng. Theo quan sát của tôi khi đó, mặc dù tay cầm khăn trắng hàng nhưng mặt chúng rất tươi, gặp anh em ta thì chào còn lính của ta nói “Hòa bình, hồi hương”. Họ đồng ý hoàn toàn.


 Suốt đêm  7-5, tôi vào Sở chỉ huy ngồi chờ anh Khôi-anh cả tôi chiến đấu ở đơn vị 312, vì chúng tôi có hẹn, khi ta đánh thắng, hai anh em gặp nhau ở hầm Đờ-cát. Tôi ngồi đó chờ suốt đêm, sáng hôm sau, tôi đi ngược tuyến đường chiến đấu của đơn vị 312 thì gặp Tiểu đoàn 165 của anh tôi, tôi gặp Chính ủy Trung đoàn hỏi tin, đồng chí nắm tay tôi trả lời: Anh cậu hy sinh rồi, nói xong nước mắt trào ra. Tôi lặng người, nước mắt cứ thế trào dâng. Quả thật, cảm xúc của người lính chiến trên chiến trường không giống nơi hậu phương. Vui mừng chiến thắng và đau xót nhập với nhau làm một. Đó chính là tình cảm của tôi ở Điện Biên Phủ trong ngày thắng lợi.


Phóng viên: Xin cảm ơn Trung tướng!

Trần Hiền-Phạm Luân-Hải Yến (Thực hiện)

 

* Trung tướng Phạm Hồng Cư sinh năm 1926, quê ở xã Đông Cương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, tham gia Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông, đánh thắng quân Pháp trận đầu trên Sông Lô (1947), Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, tham gia các chiến dịch lớn trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Phái viên Tổng cục Chính trị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2 (1978-1986), Phó Chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam (1986-1995). Ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1983), Trung tướng (1988).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ