A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của người chiến binh 7 lần được tặng Dũng sĩ

 

QPTĐ-“Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX...". Với những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường như Đại tá Trần Quang Vinh,  phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thì năm tháng ấy mãi là ký ức không thể nào quên.

 

 

Đại tá Trần Quang Vinh chia sẻ về những năm tháng chiến đấu không thể nào quên.

 

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến địa chỉ 474A, Âu Cơ, tổ 23, phường Nhật Tân để gặp Đại tá Trần Quang Vinh, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong gian phòng nhỏ, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những dấu ấn đầy khó khăn nhưng cũng rất vinh dự và tự hào trên chiến trường.


“Năm 1975, tôi là Đại uý, Chủ nhiệm Công binh Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Sư đoàn là 1 trong những đơn vị chủ công đánh vào Sư đoàn 25-ngụy, tại Đồng Dù, Củ Chi, sau đó có nhiệm vụ vừa đi, vừa đánh để tiến vào giải phóng Sân bay Tân Sơn Nhất… Nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác bảo đảm về công binh cho lực lượng của ta vượt sông; nếu địch phá hỏng các cầu trên trục đường tiến quân thì đơn vị có nhiệm vụ ghép phà, bắc cầu…


Thực tế, không phải tự nhiên địch đầu hàng và chạy “như vịt” mà vừa đi, chúng vẫn chống trả; cài bom, mìn trên các tuyến đường, cầu phà để phá hủy, không cho ta tiến quân. Nắm được ý định đó, ta thường bố trí lực lượng áp sát, không cho chúng đạt mục đích. Khẩu hiệu của bộ đội ta khi đó là mở đường mà đi, đánh địch mà tiến.


Bác Vinh bồi hồi: “Năm 1975, sau 10 năm ở chiến trường Tây Nguyên, 4 năm chiến đấu tại biên giới Tây Nam, khi nhận lệnh về giải phóng Sài Gòn, chúng tôi cảm thấy không gì sung sướng hơn. Nhất là khi ngồi trên xe cơ giới tiến vào Tân Sơn Nhất, bà con nhìn thấy vỗ tay vui sướng. Khoảnh khắc đó thật xúc động…


Hòa bình lập lại nhưng phải đến năm 1977, tôi mới được về thăm gia đình. Tuy nhiên, so với đồng chí, đồng đội, những người đã ngã xuống thì mình được trở về, hưởng tự do là hạnh phúc, may mắn hơn rất nhiều. Họ đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay. Mỗi dịp hồi tưởng lại giây phút đó, tôi suy nghĩ rất nhiều”.


Sinh ra và lớn lên tại Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An, cái nôi của cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, năm 1958, bác Vinh đi thoát ly, hoạt động ở địa phương, với cương vị là Kế toán Hợp tác xã và Y tá của xã. Tháng 2/1960, bác trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ vào Tiểu đoàn Công binh 25, Quân khu 4, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An. Nhập ngũ được 1 năm, bác Vinh được bầu chọn là Chiến sĩ Thi đua và được cử đi học lớp Tiểu đội trưởng Công binh, sau đó một thời gian lại được tuyển chọn đi học Trường Sỹ quan Công binh, tại Bắc Ninh (3 năm). Kết thúc khóa học, về đơn vị, bác được kết nạp Đảng. 


“Đầu năm 1965, tôi bắt đầu hành quân vào chiến trường. Chúng tôi đi bộ hai tháng trời, trên vai đeo súng, gạo…., tới tháng 3/1965, mới vào tới Bắc Kon-Tum (Tây Nguyên). Từ ngày 14/10 đến 26/11/1965, tôi tham gia trận đầu tiên là Chiến dịch Pleime. Nhiệm vụ Đại đội Công binh do tôi chỉ huy (khi ấy là Thiếu úy Đại đội phó) là “vây đồn, diệt viện”. Tức là chúng tôi vây đồn, mục đích để khi quân Mỹ cứu trợ, ta sẽ tiêu diệt làm tiêu hao sinh lực địch. Về phía địch, để bảo vệ đồn, chúng huy động cả Lữ đoàn kỵ binh bay dùng trực thăng đổ bộ đen trời. Chúng thả dù đến đâu, lực lượng vây hãm vòng ngoài của ta (Trung đoàn 66, 88, 33…) lại tiêu diệt đến đó. Sau này, khi tổng kết chiến dịch, trong trận đó, ta làm thiệt hại một Tiểu đoàn kỵ binh cơ giới của Mỹ và 2 Tiểu đoàn ngụy; lực lượng đánh đồn Pleime được thưởng Huân chương Quân công Hạng Nhất. Sau trận đó, đơn vị tôi chuyển sang đánh độc lập, phục kích trên đường giao thông chờ khi chúng di chuyển để tấn công. Dòng dã 10 năm liền, chúng tôi cứ ăn rồi đánh. Tôi từ Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó sau đó lên Tiểu đoàn trưởng, rồi Chủ nhiệm Công binh Trung đoàn”.


Tiêu chuẩn Dũng sỹ là nếu bắn cháy được 1 xe tăng, hoặc đánh được 1 đoàn xe trong đó có xe tăng thì được công nhận. Bác Vinh đã 7 lần được tặng Dũng sỹ vì 7 lần dùng thủ pháo ném xe tăng và thành công. 


Bác kể: “Tôi nhớ nhất trận phục kích địch trên tuyến đường từ Ban Mê Thuột vào phía Nam, tôi khi đó là Đại đội trưởng Đại đội công binh B3 (Tây Nguyên), mặc dù chúng tôi diệt được 17 xe và toàn bộ đoàn vận tải nhưng khi địch câu pháo từ xa vào đội hình thì tôi bị thương ở đầu. Tỉnh dậy, tôi thấy anh em đã đưa về Trạm xá nhưng lúc đó không ai muốn rời đơn vị nên tôi nhất định xin về đơn vị, vì sợ ở lại điều dưỡng họ sẽ đưa mình trở ra và không được chiến đấu, ở cạnh anh em…”.


Sau năm 1975, khi mang quân hàm Đại úy, bác Vinh về Ban Công binh, Mặt trận Tây Nguyên làm Trợ lý, phụ trách Trưởng ban huấn luyện công binh cho các Sư đoàn, sau đó học tại Học viện Hậu cần và về Bộ Quốc phòng với vai trò Thanh tra viên, Chánh Thanh tra hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kinh tế. 40 năm phục vụ trong quân ngũ, hiện bác Vinh đã về hưu nhưng vẫn tham gia các hoạt động xã hội. Vào các dịp lễ, tết, bác Vinh tham gia nói chuyện lịch sử với các em học sinh trên địa bàn. Bác bảo, thông qua câu chuyện của mình để các em có thể hiểu hơn về một thời khói lửa, về những hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông, từ đó có quyết tâm luyện rèn, trở thành người có ích cho xã hội.


Trần Hiền-Thế Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ