A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

 

QPTĐ-Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng đó là kết quả tất yếu của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 

 

Bác Hồ gắn Huy hiệu Điện Biên cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh.  

 Ảnh: Tư liệu

 

Cuối tháng 9-1953, trước biến chuyển cục diện của chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày về các phương án và quyết tâm của Tổng Quân ủy, Bác Hồ nhắc lại tinh thần Nghị quyết đầu năm của Trung ương Đảng: Phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, vì vậy, ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Chỉ được đánh thắng, không được đánh không thắng. Rồi Người giơ bàn tay phải lên, nắm lại, xoè ra nhiều lần, vừa nói: Bàn tay nắm lại thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra dễ bị gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra năm bảy mà tiêu diệt dần, đặng làm cho chúng thất bại hoàn toàn.


Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân 1953-1954 đã thống nhất, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động và đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người chỉ thị cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được…”.


Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.


Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của lãnh tụ tối cao đối với mình mà Đại tướng Tổng Tư lệnh đã có một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời làm tướng của mình. Đó là quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Và thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định trên.


Mặc dù bận trăm công nghìn việc của một Chủ tịch nước, nhưng do tính chất tối quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác Hồ dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc Chiến dịch. Ngay sau ngày mở Chiến dịch, Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu Đông năm nay các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng  gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi".


Nhân lễ kỷ niệm 9 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" để làm cờ thưởng luân lưu”. 


Chiều ngày 14-3-1954, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận trân trọng đăng thư Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên Phủ. Trong thư, Người chỉ rõ nhiệm vụ trong Chiến dịch này là “rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang", và tin tưởng rằng, cán bộ và chiến sĩ ta sẽ “phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”. 


Ngày 15-3-1954, giữa những trận đánh căng thẳng, ác liệt của đợt 1 Chiến dịch, Bác Hồ và Trung ương Đảng gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ; nêu ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch cả về chính trị và quân sự và nhắc nhở quân và dân ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành thắng lợi trong Chiến dịch này.


Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Trong thư Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Bác cũng căn dặn cán bộ, chiến sĩ không nên thắng mà kiêu, không nên chủ quan, khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cuối cùng, Bác hứa sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.


Trên báo Nhân dân số 184 từ ngày 12 đến 15-5-1954 cũng đăng thư của Bác gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong thư có đoạn: “Trước hết, Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.


Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.


Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao.


Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và  để tranh thắng lợi mới.

 

Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Các chú tán thành không ?”. 


Cuối thư, một lần nữa Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ ta không được tự kiêu, chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho.


 Ngoài thư, điện gửi bộ đội, dân công, Bác Hồ còn viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, khẳng định thắng lợi tất yếu của Chiến dịch Điện Biên Phủ và của cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ