A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mặt trận Hà Nội với Chiến dịch Điện Biên Phủ

 

QPTĐ-Đông  Xuân 1953-1954, quân và dân Hà Nội đã đẩy mạnh tiến công địch bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn và tổn thất, góp phần cùng các lực lượng giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

 

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954.
Ảnh: Tư liệu

 

Vào giữa năm 1953, tướng Na-va được Chính phủ Pháp chỉ định làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Na-va đề ra kế hoạch “Lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh; dùng người Việt đánh người Việt”; tăng cường “bình định” và phòng ngự ở đồng bằng Bắc bộ, bằng mọi cách bảo vệ bằng được khu then chốt Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống đường bộ, đường sắt nối hai thành phố này, bố trí một bộ phận quan trọng lực lượng dự bị cơ động chiến lược tại Hà Nội tới hàng vạn tên sẵn sàng chi viện, ứng cứu cho các chiến trường nhằm giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.


Trước yêu cầu phải mở rộng phong trào kháng chiến, làm thất bại âm mưu thủ đoạn mới của địch, Thành ủy và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, kinh tế buộc địch phải có nhiều nhượng bộ, như tăng lương cho công nhân thêm 20% và công chức 15%; nông dân làm đơn đòi miễn thuế đảm phụ quốc phòng, không nộp đảm phụ hương dũng, không mua vé xổ số; tố cáo tội ác, tội ăn hối lộ, hà hiếp dân của bọn tay sai, buộc địch phải bỏ tù một số tên tề, mật vụ, chỉ điểm gian ác để trấn an tinh thần nhân dân.


Để bổ sung quân số ngày càng thiếu hụt cho các mặt trận, địch tăng cường các hoạt động bắt lính ngày càng trắng trợn. Ta đã vận động quần chúng đấu tranh bằng các hình thức: Không khai, không trình diện và lẩn trốn; phát động Phong trào Ba trốn trong thanh niên: Trốn tại chỗ, trốn về quê và trốn ra vùng tự do. Cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Nội đã làm cho nhiều đợt bắt lính của địch không thu được kết quả như mong muốn. Trong khi đó, hàng nghìn thanh niên được ta giác ngộ hoặc được các đoàn thể của ta giúp đỡ đưa ra vùng tự do an toàn. Cùng với chống bắt lính, Ban Chỉ huy Mặt trận tập trung chỉ đạo công tác địch vận; tuyên truyền vận động họ đòi giải ngũ, không ra trận, bỏ về quê, chạy về với kháng chiến..., với ngụy binh và “Đòi hòa bình, hồi hương” đối với lính Âu-Phi. Kế hoạch bắt lính, xây dựng một đội quân ngụy mạnh của Na-va cơ bản bị phá sản. 


Đông-Xuân 1953-1954, Kế hoạch Na-va bộc lộ nhiều yếu điểm nghiêm trọng. Chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc bộ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khiến địch phải tăng quân đối phó khắp nơi. Mâu thuẫn giữa tập trung quân để xây dựng lực lượng cơ động mạnh với việc "bình định" giữ đất, giữ dân thêm gay gắt, thực dân Pháp ngày càng lúng túng bị động. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định đập tan Kế hoạch Na-va, đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp bằng Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954; chủ động mở một loạt chiến dịch đánh địch ở Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên, nhằm phá vỡ khối cơ động chiến lược của Na-va, đồng thời tập trung toàn lực cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. 


Tranh thủ thuận lợi, quân và dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, các phong trào chống thuế của tiểu thương, thợ thủ công; đòi tăng lương trong công nhân; đòi dùng tiếng Việt trong trường đại học, đòi dạy lịch sử Việt Nam trong trường phổ thông… không ngừng phát triển. 


Đầu tháng 3/1954, trong khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị ta bao vây và chuẩn bị nổ súng tiêu diệt, Mặt trận Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm. Kết quả, ta tiêu diệt 16 tên địch, phá hủy 18 máy bay gồm: 5 chiếc B26, 10 chiếc Đa-cô-ta, 3 chiếc chở hành khách; đốt phá một nhà sửa chữa máy bay, một kho xăng, hoạt động của sân bay trong nhiều ngày tiếp theo bị đình trệ, góp phần làm gián đoạn cầu hàng không, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 


Tiếp tục chia lửa với Mặt trận Điện Biên Phủ, chiều ngày 4/4/1954, quân và dân huyện Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên Đường 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải Phòng lên Hà Nội. Cuối tháng 4/1954, công nhân Sở Binh lương Hà Nội đốt kho làm cháy hàng nghìn chiếc dù, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Ngoài ra, cơ sở của ta trong đoàn xe tải ở Đấu Xảo chỉ đạo anh em lái xe phá hủy hàng trăm xe rồi trốn về với kháng chiến. 


Để phối hợp với chiến trường chính, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động phá hoại các kho vũ khí, xăng dầu, quân trang quân dụng, trại lính, những chuyến tàu chở quân của địch. 


Trước thất bại liên tiếp của địch ở Điện Biên Phủ, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, tán phát hàng vạn giấy thông hành, truyền đơn kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà. Nhiều tên “tự thương” để được ở lại Hà Nội hoặc trốn về với gia đình, nhiều đơn vị địch vừa đi càn ở đồng bằng về thoái thác tập thể, lấy cớ “không được nghỉ ngơi không đi”… đã có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho chúng trong việc ứng cứu, chi viện cho Mặt trận Điện Biên Phủ.


Công tác điều tra nắm tình hình địch được Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội rất coi trọng, ta đã tìm cách gây cơ sở trong các cơ quan quân sự, trong doanh trại, công xưởng của địch; ngay trong các cơ quan đầu não cơ mật của địch; do đó nhiều tin tức quan trọng, nhất là những tin về điều động quân số, vũ khí, đạn dược, lương thực cho Điện Biên Phủ quân báo Mặt trận đều nắm được và báo cáo lên cấp trên kịp thời.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Mặt trận Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”.

 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ