A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ về quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô-Bài 2

Bài 2: Đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển khoa học-công nghệ

 

QPTĐ-Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô”. Để thực hiện được mục tiêu trên cần xây dựng chính sách phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô, từ đó sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể trong Luật Thủ đô hiện hành nhằm xây dựng, vận hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội.  

 

Tìm những nút thắt

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội nói chung, hoạt động khoa học-công nghệ về lĩnh vực quốc phòng, an ninh nói riêng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô Hà Nội. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII cũng nêu rõ những hạn chế trong phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô, đó là: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học-công nghệ chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu. Thị trường khoa học-công nghệ ở Thủ đô còn nhiều hạn chế; thiếu thông tin và các sản phẩm có giá trị; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt”.

 Phòng thí nghiệm số của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là chính sách quản lý khoa học-công nghệ chưa có sự đột phá, chưa tạo được cơ chế thông thoáng, thuận lợi khai thác tối đa tiềm lực cơ sở vật chất và nguồn lực chất xám của các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng của Trung ương và Hà Nội trên địa bàn.

Mặt khác, do đặc thù hầu hết nhiệm vụ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đòi hỏi theo yêu cầu của Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước đã phần nào hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước, rất hạn chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.

Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, trên địa bàn Hà Nội có hơn 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước, khoảng 82% phòng thí nghiệm trọng điểm, hơn 65% số giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ của cả nước, nhưng việc phát huy nguồn lực này rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng trên là chính sách trọng dụng nhân tài đã được quan tâm nhưng cơ chế ưu đãi chưa hấp dẫn, chưa đủ mạnh để thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trọng tâm của Thành phố.

Chủ động đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách

Để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng, ngoài các đề tài khoa học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Sở Khoa học và Công nghệ cũng cần phát triển những đề tài liên quan đến vấn đề dân sinh, môi trường; các đề tài nghiên cứu về nắm bắt, quản lý tư tưởng, dư luận xã hội, qua đó dự báo, đề xuất những giải pháp góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy; nhiệm vụ trong Kế hoạch số 345/KH-UBND của UBND Thành phố về thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội cần có giải pháp phát triển thị trường khoa học-công nghệ.

Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện xây dựng các văn bản, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn. Cụ thể, đề xuất cơ chế, chính sách về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), tham gia nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định,  phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ là một nội dung đột phá. Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ ban hành kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đều xác định vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc phát triển khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Đây là những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quan trọng, là cơ sở chính trị, là điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ của Thủ đô. Dó đó, Sở Khoa học và Công nghệ phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình để thực hiện. Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ cần có đề án thực hiện trình UBND Thành phố và Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ