Quận Hà Đông:
Ứng xử văn hóa-tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ cương hành chính
QPTĐ-Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong triển khai thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy, trong đó có nội dung thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quận Hà Đông là một trong những đơn vị được đánh giá rất tốt (cụ thể, Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội 2 năm liên tục 2021, 2022 kiểm tra quận đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo).
Có mặt tại làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, chúng tôi ấn tượng khi chứng kiến đoàn khách Ấn Độ trò chuyện với chủ cửa hàng là bà Nguyễn Thị Tâm, cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão. Dù hai bên chưa thực sự hiểu hết ngôn ngữ của nhau nhưng với sự tận tình, kiên nhẫn của chủ cửa hàng, cuối cùng đoàn khách đã chọn được những sản phẩm thực sự ưng ý.
Chị Poonem Mohan (Ấn Độ): "Ở đây, chúng tôi không chỉ tìm được những sản phẩm đẹp, đa dạng mà còn được tiếp xúc với những con người rất thân thiện, tốt bụng, văn minh"
Chị Poonem Mohan (Ấn Độ) chia sẻ với chúng tôi: “Thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi chúng tôi đến thăm làng lụa Vạn Phúc. Ở đây, chúng tôi không chỉ tìm được những sản phẩm đẹp, đa dạng mà còn được tiếp xúc với những con người rất thân thiện, tốt bụng, văn minh. Đáng nhẽ hôm nay tôi chỉ định mua 2-3 món đồ nhưng bạn thấy đấy, kết quả tôi đã mua rất nhiều-Cười lớn”.
Là gia đình có truyền thống lâu đời sản xuất và kinh doanh, giới thiệu lụa Vạn Phúc, bà Nguyễn Thị Tâm hồ hởi: Từ nhỏ bà đã gắn bó, đam mê với nghề lụa, do đó “hơn bao giờ hết chúng tôi luôn yêu nghề, ý thức được việc gìn giữ nét văn hóa của gia đình nói riêng và của làng lụa nói chung. Bạn biết đấy, ngoài thường xuyên đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm thì cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão còn tiếp rất nhiều đoàn khách ngoại giao của Đảng, Nhà nước… Để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, ngoài đào tạo những nhân viên, người thợ có tay nghề cứng, cung cấp những sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu của mỗi khu vực, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến việc ứng xử với khách, với tinh thần niềm nở, tôn trọng. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được giới thiệu những nét độc đáo của sản phẩm, cơ sở còn hướng cho họ thấy được giá trị truyền thống của làng nghề. Làm tốt được điều đó, chúng tôi vừa giải quyết được nhu cầu việc làm cho người lao động, vừa góp phần không nhỏ để nét đẹp truyền thống của làng lụa bay cao, bay xa hơn nữa.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Huyền, cán bộ Văn hóa-Thông tin phường Vạn Phúc, mục tiêu của phường Vạn Phúc là phát triển du lịch làng nghề, dó đó việc triển khai 2 bộ Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc đơn vị” và ”Quy tắc ứng xử nơi công cộng” là hết sức cần thiết. Để thực hiện tốt 3 mô hình: Di tích lịch sử văn hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn; hướng dẫn nhân dân, tiểu thương trên địa bàn phường thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ và mô hình tình nguyện viên tuyên truyền du lịch thân thiện, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển du lịch làng nghề theo mục tiêu và chỉ đạo của Thành phố và quận, Đảng ủy- UBND phường chỉ đạo bộ phận Văn hóa thông tin phối hợp với Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Ban quản lý di tích và Đoàn thanh niên phường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến từng cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn. Từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và truyền thống của làng nghề đối với mỗi người dân Vạn Phúc. Từng cá nhân, nhất là những người làm nghề, hoạt động kinh doanh sản phẩm lụa truyền thống cần nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu, hình ảnh làng nghề và hình ảnh người làm nghề.
Đi bất kỳ cửa hàng nào tại Vạn Phúc chị sẽ cảm nhận được rõ nét, khách du lịch thoải mái mua sắm, xem hàng hóa, dù mua hay chưa mua những người bán hàng luôn có thái độ niềm nở chào đón, không có hiện tượng chèo kéo, ép khách mua hàng…”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong triển khai thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy, trong đó có nội dung thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quận Hà Đông là một trong những đơn vị được đánh giá rất tốt (cụ thể, Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội 2 năm liên tục 2021, 2022 kiểm tra quận đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo).
Sau 5 năm triển khai bài bản, đồng bộ, thường xuyên và liên tục, đến nay việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử của quận đã đạt kết quả đáng ghi nhận: Các đơn vị xây dựng, ban hành quy chế làm việc; nội dung quy chế quy định rõ về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo, công chức chuyên môn, chế độ công tác, lề lối làm việc. Từ đó đã tạo ra bước chuyển biến mạnh về kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; lề lối tác phong làm việc khoa học, nền nếp, đổi mới, sâu sát công việc; nói đi đôi với làm; ứng xử có văn hóa; gương mẫu trong lối sống sinh hoạt cá nhân; văn hóa ứng xử của người dân bước đầu đã chuyển biến trong việc thực hiện các quy định, quy ước, nếp sống văn minh…
Qua theo dõi của phóng viên, trong kết quả chung đó, tiêu biểu phải kể đến các địa phương: Phường Phúc La (quận Hà Đông), hầu hết cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan phường chấp hành tốt các nội dung Quy tắc ứng xử: Trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đeo thẻ chức danh đúng quy định, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, có ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan trong thực thi công vụ, gương mẫu về đạo đức và lối sống, sử dụng tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm. Phường Phú La, vào thứ Sáu hàng tuần, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ duy trì đều đặn việc thực hiện mô hình Cơ quan xanh, sạch, đẹp (dọn vệ sinh cơ quan; trồng, chăm sóc cây xanh trong phòng làm việc, trồng hoa ở ban công, sân cơ quan)…
Quận Hà Đông: Đưa nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị theo từng tháng, quý, năm”.
Đồng chí Vũ Minh Thu, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin khẳng định: “Có được kết quả đáng khích lệ đó, ngay sau khi nhận được kế hoạch của Thành phố về việc thực hiện Chương trình 06, trong đó có 2 bộ Quy tắc ứng xử, Quận ủy, UBND quận nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành gần 50 văn bản lãnh, đạo chỉ đạo thực hiện; triển khai tới tất cả cơ sở, cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đầu mối cụ thể hóa từng nội dung của Ban Chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đưa Quy tắc ứng xử vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chi đoàn, họp cơ quan, đơn vị, ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử, phát động thi đua ở các cấp (địa phương, tổ dân phố, khu dân cư...), giao ban định kỳ; đưa nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị theo từng tháng, quý, năm”.
Xác định, công tác thông tin tuyên truyền là một trong những biện pháp hàng đầu trong thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, “Hà Đông đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của 2 bộ Quy tắc từ quận đến cơ sở, với nhiều hình thức phong phú: Qua hệ thống truyền thanh (Trung tâm trực tiếp sản xuất các file âm thanh chuyển xuống các đầu mối tuyên truyền), Cổng Thông tin điện tử, Bản tin Hà Đông, hội nghị, tọa đàm, tập huấn; 17/17 phường tuyên truyền trực quan, niêm yết công khai nội dung bộ 2 Quy tắc tại 100% trụ sở cơ quan, đơn vị, các điểm di tích. Đồng thời. hướng dẫn mỗi cá nhân in khổ A4 đặt trên bàn làm việc, in khổ lớn phù hợp điều kiện từng đơn vị đóng khung treo tại cơ quan, đơn vị, ở vị trí dễ nhìn thấy để được nhắc nhở hàng ngày; bộ phận “Một cửa” của UBND các phường, các trường học, 250 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, điểm di tích, khu vực công cộng... duy trì hệ thống pano tuyên truyền bảng tấm lớn 2 Quy tắc. Ngoài ra, quận còn tận dụng thế mạnh của mạng xã hội như fakebook, zalo... lan tỏa rộng rãi đến người dân”. đồng chí Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao quận nhấn mạnh.
Cùng với việc triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, cấp chính quyền từ quận đến cơ sở đã thành lập Đoàn kiểm tra (cả thường xuyên và đột xuất) việc triển khai các quy tắc tại cơ sở, hoặc giao nhiệm vụ gắn với việc thực hiện chuyên môn như: Kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử. Cán bộ, đảng viên phân công nhiệm vụ tự kiểm tra, giám sát việc thi hành công vụ trong cơ quan, đơn vị. Qua đánh giá, nhìn chung cán bộ, công chức các đơn vị chấp hành tốt kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc công tác trực và thời gian làm việc; tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; thái độ giao tiếp của cán bộ bộ phận “Một cửa” với công dân lịch sự, hòa nhã, người dân hài lòng; UBND các phường bố trí phòng tiếp công dân, niêm yết lịch tiếp công dân của đơn vị, có sổ sách ghi chép việc tiếp công dân theo quy định.
Tuy nhiên cũng thông qua kiểm tra, các đoàn cũng phát hiện một số vấn đề còn tồn tại nhất định: Việc niêm yết công khai TTHC tại một số phường còn chồng chéo, thiếu khoa học. Đồng thời, chưa tạo ra được bản sắc riêng của người Hà Đông từ góc nhìn về văn hoá, ý thức giao tiếp, ứng xử... Trước những hạn chế đó, sau mỗi lần kiểm tra, UBND quận ban hành Thông báo kết luận, yêu cầu các đơn vị được kiểm tra khắc phục 100% các vấn đề phát hiện còn tồn tại, hạn chế; chỉ đạo Đoàn kiểm tra công vụ của quận tiến hành kiểm tra định kỳ. Cùng với đó, trong sơ kết giữa nhiệm kỳ, UBND quận thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, đưa ra các bài học rút kinh nghiệm.
Có thể thấy, quận Hà Đông vốn là địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, do vậy công tác triển khai các bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống trên địa bàn quận tương đối thuận lợi, tạo thêm chuyển biến trong ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức cũng như nhân dân trong thực hiện nếp sống văn hóa ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận. Tuy nhiên để phát huy kết quả đạt được, thiết nghĩ, từ Ban Chỉ đạo đến các cấp, các ngành của quận không chỉ hài lòng với kết quả đạt được mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục “làm nhiều, tuyên truyền nhiều sẽ thành nếp, ăn sâu, bén dễ trong mọi hành động của người dân”.
- Không chỉ là đơn vị thực hiện tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử, Hà Đông còn là đơn vị đã, đang thực hiện thành công Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội: “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Điều đáng nói, trước khi có Chỉ 11, ngày 12/1/2009, Hà Đông đã có Chương trình số 06-CTr/QU về “Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa, thực hiện hiệu quả việc cưới theo nếp sống văn minh theo đúng tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên việc cưới văn minh đã được đưa vào quy tắc văn hóa của các tổ dân phố gắn với bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa hằng năm.
Tính đến thời điểm trước khi có Chỉ thị 11 của Thành uỷ, kết quả thực hiện Chương trình 06 của Quận ủy: Có 1.377 đám cưới, trong đó có 1.225 đám cưới (đạt tỷ lệ 82%) thực hiện nếp sống văn minh. Sau khi có Chỉ thị 11 của Thành uỷ, tính đến thời điểm ngày 15/12/2012 (sau gần 2 tháng triển khai), địa bàn quận Hà Đông có 377 đám, trong đó có 362 đám thực hiện tốt (đạt tỷ lệ 96%); tính đến thời điểm báo cáo (tháng 06/2022), toàn quận có 344 đám cưới, có 327 đám (tỷ lệ 95%) thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có 297 đám tổ chức gọn nhẹ, báo hỷ. Phần lớn các đám cưới đều triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Thành uỷ và Kế hoạch số 141 của UBND thành phố Hà Nội, Chương trình 06 của Quận uỷ. Tiêu biểu là các phường: Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, Quang Trung, Phú La, Phúc La…
Trần Hiền