Bài 4: Những trái tim trọn nghĩa ân tình
QPTĐ-Dẫu biết rằng chăm sóc, nuôi dưỡng các thương binh bị mắc bệnh tâm thần mãn tính vô cùng khó khăn vất vả. Thế nhưng, vượt qua thử thách, bằng tình thương và lòng kính trọng đối với những người có công với cách mạng, đội ngũ y, bác sĩ đã gạt đi danh lợi cá nhân để gắn bó, chăm sóc cho các thương binh trọn nghĩa, vẹn tình.
Cho bệnh nhân ăn bằng đường xông trực tiếp vào dạ dầy.
Giọt nước mắt “rơi trong lồng ngực”
Mất chừng hơn 10 phút dọn dẹp tại phòng cho bệnh nhân Vũ Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Thu Hà tiếp tục nhiệm vụ ở hơn chục phòng khác. Đến giờ trưa, khi các thương binh nghỉ ngơi, các nữ điều dưỡng này mới có thời gian tranh thủ ăn cơm trưa. Tâm sự với chúng tôi, chị trải lòng, ở Trung tâm hầu hết là các bác bị bệnh tâm thần rất nặng, hành vi bất bình thường, nếu không có tâm, không biết ơn thì không gắn bó được với nghề. Phải lo lắng cho các bác từ vệ sinh cá nhân, đến miếng ăn, giấc ngủ. Tất cả đều phụ thuộc vào cán bộ, nhân viên Trung tâm. Nhất là khi lau người cho các bác, nhiều bác vẫn còn mảnh đạn trong người nên khi đau quá lại nói ra những từ không nhã nhặn, đôi khi bức xúc chuyện gì đó sẽ hất cả xô nước vào người chúng tôi. Thế nhưng khi tâm tính bình thường, các bác lại rất quý chúng tôi, luôn thân thiết, chia sẻ và mong ước có một tình thương ấm áp từ người thân. Những điều đó, cán bộ, nhân viên đều thông cảm, thấu hiểu. Chị Hà bày tỏ, ngoài vết thương gây đau đớn, các thương bệnh binh còn đối mặt với nỗi cô đơn. Cũng bởi có người đã gắn bó với Trung tâm này suốt mấy chục năm trời, không vợ con như bác Trần Thanh Nhị là thương binh ¼ quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), bác gắn bó từ khi thành lập Trung tâm (1976). Bác coi trung tâm là mái ấm và cán bộ, nhân viên điều dưỡng là người thân của mình.
Tri ân các thương binh yên nghĩa tại nghĩa trang liệt sĩ.
Do đó ngoài công việc chăm sóc sức khỏe, mỗi người đều cố gắng chuyện trò, tâm sự chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các thương bệnh binh. Nhờ đó những người lính già vơi đi nỗi buồn, giảm đau đớn. Khi Trung tâm có thương binh về với đất mẹ, nhất là đối với các bác không có gia đình, người thân, cán bộ, nhân viên lại chung tay lo hậu sự cho các bác trọn đạo, nghĩa tình. Bác sĩ Chu Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm là người gắn bó với Trung tâm lâu nhất đã chứng kiến nhiều trường hợp thương binh mất tại Trung tâm. Anh chia sẻ với chúng tôi: Trước lúc lâm chung, các bác đều rất tỉnh táo nhìn từng người xung quanh, ánh mắt như muốn nói ra điều gì đó nhưng không thành lời, nước mắt trào ra rồi chìm vào trong giấc ngủ. Lúc ấy, ai cũng thương. Nước mắt như “rơi vào trong lồng ngực” nghẹn ngào, phút chia ly. Những lúc như thế, chúng tôi sẽ cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất có thể để khi các bác mất đi không cảm thấy cô đơn, lãnh lẽo.
Theo dõi nắm tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Mái nhà chan chứa tình yêu thương
Với các thương, bệnh binh ở đây, việc sinh hoạt đôi lúc có những bất tiện do ảnh hưởng của bệnh tật, việc chăm sóc họ đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả sự kiên nhẫn. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, các cán bộ Trung tâm vẫn luôn bên cạnh, trở thành những đứa con có hiếu giúp các thương, bệnh binh có thể hòa nhập, phần nào xóa đi những ký ức đau thương, nỗi đau về thể xác và tinh thần. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Hà bộc bạch: “Chúng tôi gắn bó với Trung tâm bằng tâm huyết và lòng biết hơn, ai cũng nghĩ các bác đã cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc được nở hoa độc lập nên tất cả đều cố gắng hết sức chăm sóc tốt cho các bác, để cho các bác thấy rằng những cống hiến của mình cho đất nước là xứng đáng và đang được sống trong vòng tay yêu thương trọn nghĩa, vẹn tình của con cháu, người thân.
Những lúc thư giãn, cất cao tiếng hát cuộc đời thêm vui.
Thương binh Trịnh Quang Trung, ở huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Với tôi, các cán bộ Trung tâm là thành viên trong gia đình, là con cháu. Mọi sinh hoạt của chúng tôi đều được các y, bác sĩ và điều dưỡng Trung tâm lo lắng, chăm sóc tận tình, chu đáo. Tôi ở đây đã nhiều năm, các cháu lúc nào cũng chăm sóc, trò chuyện, chia sẻ với chúng tôi hằng ngày. Thế mới nói, ở đây chẳng có gì ngoài tình cảm, tình thương yêu của gia đình và đồng đội”.
Có thể khẳng định bằng cái tâm, cái tầm và lòng biết ơn sâu sắc của mình, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) ai cũng cố gắng nỗ lực làm hết mình mong sao các thương, bệnh binh đang điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm luôn sống vui, sống khỏe, sống có nghĩa, có tình.
Quang Đông-Việt Dũng