A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội tăng cường hiệu quả trong sử dụng năng lượng

QPTĐ-An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Hà Nội duy trì vận hành ổn định 2.102 hệ thống điện mặt trời mái.
                                                                                                                        Ảnh: Internet

Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội. Các văn bản luật, nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi.

Triển khai Chương trình VNEEP3, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn. Bộ Công thương đã lập kế hoạch triển khai các hoạt động thuộc Chương trình VNEEP3 cũng như công tác rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phối cảnh nhà máy điện rác Seraphin tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
                                                                                                           Ảnh: Internet

Theo các nghiên cứu, tỉ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%. Theo đó, tỉ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Tại miền Bắc, tỉ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

Hà Nội sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển năng lượng mới

Trong những năm qua, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần hình thành ý thức và thói quen trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Năm 2022, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng 57 doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 12 đơn vị; đánh giá thiết kế kiến trúc thông qua mô phỏng năng lượng cho 6 tòa nhà; hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất ứng dụng phương pháp dự báo nhu cầu năng lượng để đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng và 23 tòa nhà ứng dụng công cụ đánh giá hiệu quả năng lượng đáp ứng Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD.

Thành phố Hà Nội đã vận động trên 100 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của Thành phố, trong đó công nhận 55 cơ sở đạt danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh. Tư vấn 5 đơn vị điển hình tham gia giải thưởng ASEAN về quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà... Theo đánh giá việc triển khai chương trình đã góp phần tiết kiệm 131,3 kTOE, đạt 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.

Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5-1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ. Trong tháng 3/2022, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công các hoạt động bên lề và đêm Sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2023 với thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”, góp phần không nhỏ vào sản lượng điện tiết kiệm trong hệ thống điện quốc gia, trong một giờ diễn ra sự kiện, Thành phố đã tiết kiệm được 34.278 kWh, giúp giảm phát thải 24,75 tấn CO2, tương ứng tỷ lệ 11,5% so với cả nước (lượng tiết kiệm Giờ trái đất năm 2023 của toàn quốc đạt 298.000 kWh).

Dự án nhà máy điện rác Seraphin.
                                                             Ảnh: Internet

Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, với mục tiêu phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời trên mặt nước, thí điểm mô hình sử dụng điện mặt trời phù hợp. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ và cơ chế nhằm tạo đột phá cho phát triển điện mặt trời phù hợp điều kiện đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Tiếp tục khuyến khích và đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện từ xử lý chất thải. Năm 2023, toàn Thành phố phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 37MW từ điện rác, đưa dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành. Dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà nhằm mục đích tự dùng, giảm công suất phụ tải đỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các nhà xưởng của doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng có sử dụng điện năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng.

Song Hà

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ