A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Nga tăng trưởng khá bất chấp cấm vận, xung đột

QPTĐ- Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) và dữ liệu của Đài Sputnik công bố tuần đầu tháng 5 vừa qua, kinh tế Nga đã trở lại tốp 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và lần đầu tiên xếp thứ 8 kể từ năm 2014. Theo đó, năm 2022, sản xuất hàng hóa, dịch vụ Nga đạt giá trị 2.300 tỉ USD. Năm 2014, Nga đạt 2.050 tỉ USD xếp thứ 9 và tụt xuống thứ 11 vào năm 2021.

Kinh tế Nga vẫn đứng vững bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

                       Ảnh: Internet

Năm 2022, kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu bảng với tổng sản phẩm GDP đạt 25.500 tỉ (tính theo USD), Trung Quốc 17.900 tỉ (thứ 2), Nhật Bản 4.200 tỉ (thứ 3), Đức 4.070 tỉ (thứ 4), Ấn Độ 3.400 tỉ (thứ 5), Anh 3.070 tỉ (thứ 6), Pháp 2.800 tỉ (thứ 7).

Bí quyết giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng khá bởi ngành công nghiệp tiếp tục giữ đà tăng trưởng tích cực nhờ sản xuất thiết bị quốc phòng tăng và chi tiêu quốc gia quy mô lớn, đã và đang giúp giảm bớt tác động kinh tế tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng như xung đột ở Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Nga A.Siluanov nhận định, thâm hụt ngân sách Nga trong năm nay không quá 2% GDP mặc dù các nhà kinh tế phương Tây dự báo ở mức cao hơn bởi doanh thu từ dầu khí của Moskva giảm 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Liên minh châu Âu (EU), G7 ban hành hàng loạt biện pháp trừng phạt ngành Dầu khí Nga, cắt giảm mạnh nguồn thu ngân sách của Moskva, kỳ vọng sẽ khiến Điện Kremlin giảm nguồn tài chính hậu thuẫn cuộc chiến. Được biết, vào giai đoạn 2014-2022, nguồn thu ngân sách Nga phụ thuộc từ 60-40% nhờ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, thị trường chính là Lục địa già.

Tuy nhiên, chuyên gia A.Klymenko (Viện Nghiên cứu chiến lược biển Đen) lý giải, không có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga sụp đổ như các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo . GDP Nga giảm 8% do các lệnh cấm vận nhưng lại tăng 5% nhờ sản xuất vũ khí. Đồng thời, Moskva bắt đầu phải bán dự trữ ngoại hối quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách, kể từ năm 2014 (sau sự kiện Crime, Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga).

Mỹ và phương Tây áp dụng hàng loạt biện pháp siết chặt, kiểm soát tài chính, ngoại tệ kỳ vọng làm tê liệt hệ thống thanh toán ngoại hối, ngân hàng Nga như loại Moskva ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD, euro; đóng băng hơn 300 tỉ USD của Nga gửi ở các ngân hàng Mỹ và phương Tây; tuyên bố tịch thu tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương và các nhà tài phiệt Nga, hòng chuyển cho Kiev như một khoản viện trợ quân sự, hỗ trợ người tị nạn, tái thiết Ukraine.

Theo hãng RT phát tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ J.Yellen tiết lộ: Washington đang thảo luận với các đối tác về cách sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga để chuyển cho chính quyền Kiev. Trước đó (12/2022), Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép Bộ Ngoại giao chuyển dòng tiền tịch thu của Nga cho Ukraine. Một số nước như Bỉ, Ba Lan, Latvia, Lithuania…tuyên bố, ủng hộ quyết định tịch thu tài sản của Nga, chuyển giao cho Kiev.

Điện Kremlin lên án hành động của Mỹ và phương Tây là “vi phạm luật pháp quốc tế”, là hành vi “ăn cắp”, đồng thời tuyên bố, sẽ đáp trả xứng đáng khi cần thiết.

“Liên quan đến những công ty nằm trên lãnh thổ Nga và có chủ sở hữu là công dân đến từ những quốc gia thù địch, nơi mà quyết định tịch thu tài sản Nga đã được triển khai, việc đáp trả ăn miếng trả miếng và tịch thu tài sản là công bằng”-Ông V.Volodin tuyên bố. Những tài sản bị tịch thu này có thể được đem bán để phục vụ mục đích phát triển của Nga.

Liên quan đến quyết định của EU cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga bằng đường biển (từ 2/2023) do sức ép từ Mỹ, châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng. Các quốc gia thành viên bị thiếu hụt nguồn cung, cũng thiệt đơn thiệt kép; giá năng lượng, điện tăng lên gấp 2-3 lần, kể cả vụ mua khí hóa lỏng Mỹ cũng cao gấp 2 lần.

Ba Lan (đồng minh thân cận, xung kích của Mỹ, Ukraine, dẫn đầu “bài Nga, thân Mỹ”) cho hay: Công ty Dầu mỏ quốc doanh Ba Lan PKN Orlen đang thua lỗ hàng tỉ USD trong mấy tháng đầu năm nay, bởi lỗ 27 triệu USD/ngày, do nhập khẩu dầu mỏ cao hơn 30 USD/thùng so với trước.

Trong tuần qua, EU thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, không chỉ gây chia rẽ trong nội khối mà còn gây tranh cãi bởi nó nhằm vào “quốc gia thứ 3 đã giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây”. Lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, sẽ đáp trả bất cứ quốc gia nào gây tổn hại lợi ích của Bắc Kinh.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine V.Zelensky thăm Italy (13/5), hội kiến Giáo hoàng Francis-người từng có tuyên bố, Tòa thánh Vatican sẽ đưa ra “một sáng kiến bí mật” nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Chuyến đi này của ông V.Zelensky không chỉ kêu gọi Italy và châu Âu cung cấp nhiều hơn nữa vũ khí, đạn dược mà còn kỳ vọng, Kiev sớm gia nhập EU.

Nhiều hãng thông tấn phương Tây rầm rộ quảng bá, Kiev sắp mở một chiến dịch tổng phản công trên toàn tuyến, giành lại những vùng lãnh thổ mất. Tại miền Đông Donbass, chiến sự vẫn nổ ra ác liệt. Ngày 12/5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, đã đẩy lùi cuộc tấn công của 1.000 binh sĩ, 40 xe tăng Ukraine thực hiện 26 cuộc phản công trên chiến tuyến kéo dài 95 km phía Đông thành phố Bakhmut.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh B.Wallace (11/5) xác nhận, London đang bàn giao một số tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tầm bắn 300 km cho Kiev, bất chấp “lằn ranh đỏ” của Nga. Báo Der Spiegel (13/5) đưa tin, Đức chuẩn bị cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỉ USD cho Kiev bao gồm xe tăng chủ lực Loepard-1, xe chiến đấu bộ binh, xe chiến đấu bọc thép, tổ hợp phòng không Gepard, hệ thống phòng không Iris-T, UAV trinh sát.

Mỹ cung cấp hỏa thần Himars, xe tăng chủ lực M1-Abrams, hệ thống lá chắn Patriot, thiết bị quân sự, trị giá 37,6 tỉ USD, trong tổng số 130 tỉ USD viện trợ quân sự, kinh tế, nhân đạo cho Kiev nhưng từ chối cấp tiêm kích F-16, tên lửa tấn công tầm xa cho nước này.

Hiện, Trung Quốc cử Đại sứ Lý Huy (từ 15/5) công du Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga, liên hệ với các bên, tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ