A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công du châu Âu, Tổng thống Ukraine gặt hái được gì?

QPTĐ- Tổng thống Ukraine V.Zelensky vừa có chuyến công du châu Âu 3 ngày (13-15/5) đến Italy, Pháp, Phần Lan, Đức, Anh và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản (19-21/5).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

             Ảnh: Internet

Cùng với nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị đối với phương Tây, thúc đẩy việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông V.Zelensky thực thi chính sách ngoại giao con thoi, vận động Mỹ và phương Tây viện trợ nhiều hơn nữa vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh, hòng giành chiến thắng trên chiến trường trong cuộc xung đột với Nga. 

Giới bình luận phương Tây cho rằng, Ukraine đã đạt được mục tiêu đề ra một cách ngoạn mục. Các nhà lãnh đạo châu Âu đều cam kết hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền Kiev, “phương Tây phá vỡ giới hạn cung cấp vũ khí, tiếp lực phản công cho Ukraine”.

Đến Rome, Italy (13/5), Tổng thống V.Zelensky có cuộc hội đàm kín với Giáo hoàng Francis-người từng tuyên bố, Tòa thánh Vatican sẽ “đưa ra một sáng kiến bí mật” nhằm cố gắng chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động, kéo dài 15 tháng qua (từ 2/2022). Tổng thống V.Zelensky đã gặp gỡ, hội đàm với Tổng thống Italy S.Maltarella, Thủ tướng G.Melonni.

Tổng thống Ukraine được chào đón tại Paris với cam kết của Tổng thống Pháp E.Macron, sẽ cung cấp thêm xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép, hệ thống phòng không. “Trong những tuần tới, Pháp sẽ huấn luyện và trang bị cho một số tiểu đoàn binh sĩ Kiev, trong đó có xe bọc thép, xe tăng, AMX-10RC”.

Tại Berlin, Tổng thống Ukraine được chào đón với gói viện trợ mới, bổ sung thêm trị giá 2,7 tỉ euro (3 tỉ USD) bao gồm các bệ phóng hệ thống chống tên lửa Iris-T, 30 xe tăng Leopard-1, hơn chục xe chiến đấu bọc thép, hơn 200 máy bay do thám không người lái. Đây là gói vũ khí lớn nhất của Đức dành cho Kiev kể từ khi xảy ra xung đột với Nga.

Trước đó, Đức thể hiện rõ vai trò của quốc gia dẫn dắt EU, khá bạo tay viện trợ cho Kiev các gói vũ khí lớn bao gồm pháo phản lực, xe tăng hạng nặng, xe chiến đấu, đạn dược, UAV. “Đức thực sự nghiêm túc trong việc hỗ trợ Ukraine với gói viện trợ mới nhất”-Bộ trưởng Quốc phòng Đức B.Pistorius tuyên bố.

Thăm Anh (15/5), Thủ tướng R.Sunak xác nhận với Tổng thống V.Zelensky, London sẽ cung cấp thêm hàng trăm tên lửa phòng không, máy bay không người lái tấn công tầm xa-UAV (hơn 200 km). Trước đó, Anh đã bàn giao 300 phương tiện bọc thép, xe M113, pháo phòng không tự hành Stormer, pháo tự hành AS-90, tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow (tầm bắn 250 km) cho Kiev, trị giá 4,6 tỉ bảng Anh (5,8 tỉ USD).

Tại cuộc họp báo chung (16/5), Thủ tướng Anh R.Sunak và Thủ tướng Hà Lan M.Rutte tuyên bố, hai nước đang nỗ lực xây dựng một liên minh quốc tế mang tên “Liên minh máy bay chiến đấu”, vận động nhóm các nước phương Tây giúp Ukraine xây dựng, tăng cường khả năng phòng không, cấp chiến đấu cơ hiện đại.

Ông R.Sunak cho rằng: Anh không có tiêm kích F-16 nhưng sẽ thúc đẩy các đồng minh gửi loại tiêm kích này cho Kiev. London cam kết, hỗ trợ huấn luyện phi công Ukraine kỹ năng điều khiển máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn của NATO.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Anh đã được đồng minh Bỉ ủng hộ. Quốc gia này cam kết, sẵn sàng huấn luyện phi công cho Ukraine. Sau Mỹ, Anh và Ba Lan-những thành viên khối NATO, có thái độ ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, cả về chính trị, quân sự, hậu cần và tài chính.

Trước đó, kế hoạch hình thành một “Liên minh máy bay chiến đấu” quốc tế để cung cấp các loại máy bay chiến đấu hiện đại cho Kiev đã vấp phải sự phản đối của Mỹ. NATO cho rằng, cung cấp tiêm kích hiện đại, tên lửa tấn công tầm xa đồng nghĩa với liên minh sẽ can thiệp sâu vào cuộc xung đột. Trong khi Kiev muốn có loại tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để thay thế máy bay phản lực thế hệ MiG cũ kỹ từ thời Liên Xô nhưng Mỹ vẫn quan ngại từ chối.

Trong tháng gần đây, Mỹ và phương Tây dường như đã vượt qua giới hạn đã cam kết, sau khi Mỹ gửi hệ thống hỏa thần HIMARS, tên lửa chống tăng Javelin, xe tăng chiến đấu hạng nặng M1 Abarams, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot cho Kiev; tiếp đến, Đức gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2; Anh chuyển xe tăng Challenger-2, tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ J.Biden (19/5) thông báo với lãnh đạo các nước thành viên, Mỹ ủng hộ kế hoạch đào tạo phi công Ukraine để sử dụng các loại chiến đấu cơ hiện đại thế hệ 4 phù hợp tiêu chuẩn NATO, bao gồm cả máy bay tiêm kích F-16.

Theo RT, Mỹ và các đồng minh đã giao vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh trị giá hơn 100 tỉ USD cho Ukraine (từ tháng 1/2022 đến nay), bằng gần 2 lần ngân sách quốc phòng hằng năm trong mấy năm gần đây của Nga.

Tuy nhiên, Ukraine không hoàn toàn thuận chiều mát mái trong cuộc chiến với Nga. Ngoại trưởng Hungaria P.Szijarto (17/5) cảnh báo, nước này không ủng hộ việc phân bổ thêm viện trợ của EU cho Ukraine (500 triệu euro) trừ khi Kiev “từ bỏ thái độ thù địch” đối với Hungaria.

Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (15/5) cho biết: Nga bày tỏ “cực kỳ tiêu cực” về quyết định của Anh và phương Tây khi cung cấp thêm vũ khí cho Kiev. “Nước Anh mong muốn dẫn đầu các quốc gia tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine. Sự giúp đỡ của London sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột mà chỉ dẫn đến sự hủy diệt và giao tranh hơn nữa”. Nga coi các vũ khí phương Tây hỗ trợ cho Kiev là mục tiêu hợp pháp.

Cùng thời điểm này, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga hủy bỏ Hiệp ước về Các lực lượng thông thường ở châu Âu (CFE) ký kết năm 1990. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga (16/5) tuyên bố: “Bây giờ không có cam kết quốc tế nào bị đình chỉ, có thể ngăn chúng tôi đặt vũ khí của mình ở bất cứ nơi nào chúng tôi muốn để bảo vệ lợi ích quốc gia. Nga sẽ tăng tối đa việc sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự đặc biệt và phương tiện hủy diệt”.

Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ