A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ kêu gọi triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Á

QPTĐ- Hơn 1 năm qua, thế giới bị đốt nóng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và những động thái quân sự của NATO tại khu vực châu Âu thì giới thạo tin toàn cầu không khỏi quan ngại trước phát ngôn của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J.Bolton, kêu gọi quân đội nước này triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc, nhằm kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Bom hạt nhân chiến thuật B61-12 của Mỹ.

                       Ảnh: Internet

“Việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới bán đảo Triều Tiên sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng từ chúng ta trong việc đối phó và kiềm tỏa Triều Tiên”-cựu Cố vấn J.Bolton, chuyên gia an ninh hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump thông tin với báo chí (25/4), trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang thăm chính thức nước Mỹ (từ 24-30/4).

Trước đó, Đại sứ Nga tại Belarus B.Grizlos (2/4) phát biểu trên kênh truyền hình Nhà nước Belarus: “Vũ khí hạt nhân chiến thuật của chúng tôi sẽ được triển khai tới biên giới Belarus, nhằm tăng cường an ninh cho quốc gia đồng minh của chúng tôi”, bất chấp sự phản đối của châu Âu và Mỹ. “Đó là điều quan trọng, bảo đảm sự công bằng về việc triển khai vũ khí hạt nhân toàn cầu”, bởi Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân của họ ở các nước châu Âu như Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Dường như Mỹ và Nga đều có cơ sở biện minh cho việc triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt ở các nước đồng minh, không ngoài mục đích răn đe, tạo áp lực lên đối thủ nhưng họ nói là họ sẽ làm. Thế giới, cụ thể là các nước châu Âu, châu Á, bị đặt trong tình trạng làm con tin của các cường quốc vũ khí hạt nhân.

Trong thập kỷ qua, quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên luôn căng thẳng, trong khi Mỹ có hàng trăm căn cứ quân sự với những dàn vũ khí, khí tài tiên tiến, hiện đại và hàng chục vạn binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, đảo Guam cùng các cuộc tập trận quy mô lớn trên bộ, trên biển, trên không.

Triều Tiên công khai tuyên bố, vì lợi ích an ninh quốc gia, bằng bất cứ giá nào cũng không từ bỏ chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, dưới thời nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, thử thành công bom A, bom H.

Hiện, Mỹ tăng cường sự hợp tác quân sự với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, và liên minh quốc phòng với Anh, Australia, Ấn Độ, không chỉ là đối thủ Triều Tiên mà cái đích chính, lại hướng vào Trung Quốc-cường quốc về kinh tế, quân sự, quốc phòng, đối thủ đáng gườm, cạnh tranh lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Hàn, tuần qua, tại Nhà Trắng, Tổng thống xứ Hàn Yoon Suk-yeol hội đàm với Tổng thống J.Biden, đồng thời gặp gỡ các quan chức cấp cao Mỹ, phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Theo một quan chức Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ hứa sẽ “làm cho khả năng răn đe trở nên rõ ràng hơn thông qua việc triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược bao gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược hoặc tàu sân bay”.

Lời tuyên bố của quan chức Mỹ được bảo đảm bởi trước đó, Mỹ cũng đã điều động nhiều loại vũ khí hạng nặng bao gồm tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược B-52, tàu ngầm hạt nhân cùng hàng chục ngàn binh sĩ phối hợp cùng binh lính xứ Hàn tập trận, mô phỏng kế hoạch tấn công hủy diệt đối phương, đáp trả các vụ thử tên lửa, “hoạt động khiêu khích” từ phía Triều Tiên.

Sau hai năm cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Yoong Suk-yeol thể hiện quan điểm cứng rắn đối với các động thái được cho là “hành động thù địch, khiêu khích” của Triều Tiên.

Cùng thời điểm này, Nga xúc tiến việc triển khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân tại Belarus. Theo hãng tin AP, Tổng thống Nga V.Putin chỉ thị cho Bộ Quốc phòng nước này phải xây dựng một cơ sở lưu trữ tại Belarus, nơi vũ khí hạt nhân của Nga được bố trí, hoàn thành trước 1/7. Ông V.Putin cho rằng, thỏa thuận với Belarus về việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra lời cảnh báo đáp trả sau khi Quốc vụ khanh Anh J.Heappey (25/4) xác nhận, chính quyền London bắt đầu gửi lô đạn mới cho Ukraine, bao gồm cả đạn uranium nghèo. “Chúng tôi đã gửi hàng ngàn viên đạn cho xe tăng Challenger-2 tới Ukraine, bao gồm cả đạn xuyên giáp uranium nghèo. Ukraine đang cần gấp loại đạn này và Anh muốn giúp Kiev kết thúc cuộc chiến với Nga”-Ông J.Heappey nói.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, việc sử dụng đạn uranium nghèo có khả năng gây ra tác hại đối với sức khỏe của người Ukraine và gây ra thiệt hại kinh tế cho hoạt động nông nghiệp, công nghiệp trong khu vực.

Tổng thống Belarus A.Lukashenko cáo buộc các nước phương Tây có “âm mưu xâm chiếm, phá hủy Belarus”, do vậy vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ giúp nước này bảo đảm an toàn hơn trước nguy cơ bị đe dọa đó; đồng thời, chỉ đạo cho quân đội khôi phục các cơ sở để lưu trữ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol. “Động thái này thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và độc lập của hai quốc gia”-Ông A.Lukashenko nói.

Trước những toan tính của Nga, Mỹ và khối NATO, ông V.Yermakov, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát, không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga (ngày 25/4) lên tiếng. “Nếu Mỹ tiếp tục xu hướng đối đầu với Nga thì số phận của Hiệp ước New START có thể bị đóng băng”. Ông V.Yermakov cảnh báo, mối đe dọa cấp bách hiện nay sẽ là nguy cơ leo thang hạt nhân, đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, trong khi Mỹ và NATO vẫn làm ngơ trước những lời kêu gọi này.

Hiệp ước New START giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011, quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và định kỳ trao đổi thông tin cho nhau. Tuy nhiên, hai bên thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước.

Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ