A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng xung quanh phán quyết của Tòa ICC

QPTĐ- Câu chuyện về xung đột Ukraine đốt nóng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, phương Tây chưa kịp lắng dịu thì tuần qua, Tòa Hình sự quốc tế (ICC) đưa ra phán quyết liên quân đến Moskva, gây chấn động dư luận quốc tế.

Trụ sở Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan. 

Ảnh: Internet

Theo đó, ICC (ngày 17/3) phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga V.Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em M.L.Belova với cáo buộc “trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga”.

Tuyên bố của ICC cho biết, “có cơ sở hợp lý để tin rằng, ông V.Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hành vi trên”, bao gồm các hành vi trực tiếp hoặc thông qua những người khác thuộc quyền của mình cũng như việc ông “không thực hiện quyền kiểm soát đúng đắn đối với các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền”. Tuy nhiên, lệnh của ICC chỉ có tính biểu trưng.

Trong năm qua, ICC nhận được văn bản kiến nghị của 43 nước yêu cầu đưa tình hình ở Ukraine ra tòa án, đồng nghĩa với việc họ kích hoạt quyền tài phán của ICC. Chủ tịch ICC P.Hofmanski cho biết: ICC có thẩm quyền đối với người có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Ukraine kể từ tháng 11/2013 trở đi, bất kể quốc tịch.

ICC viện cớ, Ukraine đã có 2 lần chấp nhận ICC vào năm 2014 và 2015. Từ tháng 9/2022, 4 tỉnh Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye sáp nhập vào Nga. Hàng ngàn thường dân ở đây và con cháu họ phải sơ tán sang Nga với lý do, “bảo toàn tính mạng, tránh rủi ro chiến tranh do Ukraine cố tình pháo kích dân thường”. Tòa ICC cho rằng, ông V.Putin và bà M.L.Belova đã vi phạm theo một số điều khoản của Quy chế Roma.  

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bác bỏ lệnh của ICC: Các quyết định của tòa này “không có ý nghĩa gì, không có giá trị pháp lý”, lệnh bắt giữ này là “không thể chấp nhận được”. Moskva chưa phê chuẩn Quy chế Roma và các sự vụ không thuộc thẩm quyền của ICC

ICC có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998, có 123 thành viên. Theo quy chế, tòa này có thẩm quyền đối với tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên hoặc một quốc gia đã chấp nhận thẩm quyền của ICC. Nhiều nước không tham gia ICC, trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ.

Thật ra, Nga đã ký Quy chế Roma vào năm 2000 nhưng chưa phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC. Năm 2016, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh, không là thành viên của ICC. Điện Kremlin cho rằng, ICC đã không đáp ứng được kỳ vọng và không thể trở thành một tổ chức độc lập về tư pháp quốc tế. ICC đang dần biến thành công cụ chính trị của phương Tây.

Trong quá trình hoạt động, ICC đã phát đi 38 lệnh bắt giữ, có 31 vụ án được đưa ra xét xử, trong đó có nhân vật quan trọng như Đại tá M.Gaddafi, Tổng thống Libya; Tổng thống Sudan O.al-Bashir. Tổng thống Kenya U.Kenyatta là nhà lãnh đạo duy nhất bị đưa ra xét xử khi đương chức.

Trước việc ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống V.Putin, dư luận thế giới có luồng ý kiến, thể hiện quan điểm chính trị trái chiều.

Đây không phải là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt giữ một nguyên thủ quốc gia nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy đối với lãnh đạo một quốc gia thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Ukraine D.Kuleba (18/3) hoan nghênh ICC và cho rằng, “bánh xe công lý đang quay”. Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine-ông A.Yermak vui mừng tuyên bố, lệnh bắt giữ kia “mới chỉ là sự khởi đầu”.

Tại Berlin, Bộ trưởng Tư pháp Đức M.Buschmann tuyên bố, Đức sẽ tuân thủ lệnh của ICC và có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga nếu ông V.Putin đặt chân đến Đức. Trước đó, Thủ tướng Đức O.Scholz đã hoan nghênh quyết định của ICC. Trong khi các thành viên của ICC như Anh, Pháp, Canada cam kết ủng hộ tòa ICC nhưng không nêu rõ động thái của họ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (20/3) lên tiếng, ICC nên tôn trọng quyền miễn trừ tài phán mà các nguyên thủ quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế, tránh chính trị hóa và tiêu chuẩn kép. ICC nên giữ lập trường khách quan, công bằng, thực thi quyền hạn của mình một cách thận trọng dựa trên luật pháp, giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế một cách thiện chí.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Vương quốc Campuchia S.Hun Sen cho rằng, lệnh của ICC có thể gia tăng căng thẳng mối quan hệ Nga-Mỹ, phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (17/3) cho hay: “Nga giống như nhiều quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của ICC. Bất kỳ tuyên bố nào của tòa này đều vô hiệu với Nga về mặt pháp lý”. Nga sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên ICC. “Họ đã vi phạm pháp luật Nga”.

Thượng nghị sĩ Nga A.Klishas nhận xét: “Thông báo của ICC là lố bịch. Họ đang đặt mình vào con đường tự hủy diệt”.

Bà M.L.Belova đáp trả lệnh của ICC nhằm vào mình: “Thật tuyệt khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao công việc giúp đỡ trẻ em của đất nước chúng tôi, rằng chúng tôi không bỏ mặc các em trong vùng chiến sự mà chúng tôi đã đưa các em ra ngoài, rằng chúng tôi bao bọc các em bằng tình thương yêu và sự quan tâm”.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev-cựu Tổng thống Nga (20/3) bác bỏ lệnh của ICC. “Họ ra quyết định xét xử Tổng thống của một cường quốc hạt nhân không tham gia ICC. Hậu quả đối với luật pháp quốc tế rất khủng khiếp”.

Được hỏi về thái độ của Đức, ông D.Medvedev nói: “Hãy tưởng tượng, nguyên thủ đương nhiệm của một quốc gia hạt nhân đến lãnh thổ Đức và bị bắt. Điều đó có nghĩa là gì? Là một lời tuyên chiến với Nga”. Nếu kịch bản đó xảy ra, Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để nhắm đến Đức, đến Văn phòng Thủ tướng Đức và các mục tiêu khác.

Nói về tương lai xung đột Nga-Ukraine, cựu Tổng thống Nga (ngày 24/3) cho biết: “Không loại trừ kịch bản nào. Nếu cần tiến công đến Kiev, chúng tôi sẽ đến Kiev, hay nếu cần đến Lviv, chúng tôi sẽ mở rộng đến Lviv”.

 Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ