A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến sự Ukraine, đốt nóng thị trường vũ khí

QPTĐ- Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) vừa đưa ra thông báo, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục từ năm 2022 khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát (từ tháng 2/2022).

Binh sĩ Ukraine đứng trên xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất.

Ảnh: AFP

Chiến sự bùng nổ ở Ukraine, kéo dài hơn 1 năm qua, gây ra biết bao đau thương mất mát cho cả đôi bên nhưng lại là nguyên nhân kích hoạt thị trường vũ khí sôi động, các quốc gia Âu-Á đều gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng.

Theo SIPRI, năm 2022, chi tiêu quân sự thế giới tăng 3,7% lên 2.240 tỉ USD, riêng khu vực châu Âu tăng 13%. Ngoài Nga và Ukraine là hai nước sử dụng nhiều vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho cuộc chiến, nhiều quốc gia khác cũng đổ tiền của mua sắm vũ khí, củng cố quốc phòng và hỗ trợ cho chính quyền Kiev.

Cụ thể, chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 640% vào năm 2022, chưa kể viện trợ quân sự của phương Tây trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Theo SIPRI, viện trợ cho Kiev dưới thời Tổng thống Mỹ J.Biden lên đến 120 tỉ USD, chiếm 2,3% chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2022. “Trong những năm tới, chi tiêu quân sự ở Trung Âu, Tây Âu vẫn tiếp tục tăng”-SIPRI dự báo.

Năm 2023, ngân sách quốc phòng Mỹ đạt số kỷ lục 858 tỉ USD, tăng 8% so với mức tài khóa năm 2022, chủ yếu chi vào khoản mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội. Năm 2021, ngân sách quốc phòng Mỹ là 801 tỉ USD.

Lầu Năm Góc lên kế hoạch, sẽ chi 145 tỉ USD phát triển một số loại vũ khí mới như tên lửa siêu vượt âm, tiêm kích tàng hình thế hệ 5: F-35, tên lửa đối đất tầm xa JASSM-ER, tên lửa đối không tầm trung AIM-120. Ngoài ra, Nhà Trắng chi hàng trăm tỉ USD mua vũ khí (xe tăng, pháo hạng nặng, hệ thống phòng không), đạn dược, xe quân sự cho Ukraine và Đài Loan.

Sau Mỹ, Trung Quốc đứng thứ 2, chi ngân sách quân sự năm nay, 224 tỉ USD tăng 7,2% so với 2022 (gấp 10 lần so với 10 năm trước đó). Bình quân giai đoạn 2011-2020, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh, hằng năm, tăng từ 10,1-12,7%. Kế đến là Ấn Độ 76,6 tỉ USD, Anh 68,4 tỉ USD/năm.

Nga xếp thứ 5 thế giới, năm 2021-2022 với gần 66 tỉ USD. Năm 2023 là 86 tỉ USD, chiếm 3,3% GDP (dự kiến kế hoạch của Điện Kremlin), chiếm 17,1% tổng ngân sách năm. Chiến sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây cảnh báo, ngân sách Nga thâm hụt trong năm nay tăng lên 2% so với 0,9% năm 2022, kể cả việc chi tiêu quốc phòng sẽ tăng cao.

Bình quân 5 năm qua (tính đến năm 2022), nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu tăng 47%, trong đó, các quốc gia châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng 65%. Nếu như xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng 14%, giai đoạn 2013-2017 thì 5 năm gần đây thị phần của Mỹ trên toàn cầu nhanh chóng tăng, từ 33% lên 40%, đứng đầu thế giới.

Là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng thứ 2 nhưng thị phần của Nga lại giảm từ 22% xuống còn 16%. “Có khả năng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ hạn chế hơn nữa xuất khẩu vũ khí của Nga. Lý do là, Nga sẽ ưu tiên cung cấp cho lực lượng vũ trang của họ và đặt hàng từ các nước khác sẽ giảm do nhiều lệnh trừng phạt áp với Nga”-chuyên gia SIPRI P.Wezeman nhận định.

“Dù chuyển giao vũ khí giảm trên toàn cầu (giảm 5,1%) nhưng tăng mạnh ở châu Âu do căng thẳng giữa Nga với hầu hết các nước châu Âu khác”. SIPRI cũng đưa ra cảnh báo, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu có thể sẽ gia tăng vào những năm tới.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, khi Nga và Mỹ đã huy bỏ Hiệp ước INF về vũ khí tầm trung, đe dọa hủy bỏ Hiệp ước New START về kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược có thời hạn đến năm 2026.

Tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, chủ yếu là mua sắm các loại vũ khí mới hiện đại, phát triển các dòng vũ khí tối tân là dòng chủ lưu của quân đội các nước có tiềm lực kinh tế mạnh ở châu Âu. Khối NATO kêu gọi các quốc gia thành viên chi đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quân sự.

Xung đột Ukraine, khiến Đức chi hơn 100 tỉ USD mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội. Ba Lan nâng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên hơn 3% GDP/năm 2023 (21tỉ USD. Năm 2022 chỉ là 12,7 tỉ USD). Nguy cơ mất an ninh khu vực và toàn cầu, khiến hàng trăm tỉ đô la nhanh chóng đổ vào túi các ông chủ tư bản công nghiệp vũ khí, quốc phòng. Nhiều nước nổi lên, như một cường quốc sản xuất, xuất khẩu vũ khí, trong đó có Hàn Quốc.

Nếu như xuất khẩu quốc phòng của Đại Hàn chỉ là 7,25 tỉ USD (năm 2021) thì đã tăng lên 17 tỉ USD (năm 2022, sau sự kiện Ukraine) và có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi vào năm nay. Mỹ bật đèn xanh cho đồng minh Seoul thực hiện nhiều đơn hàng vũ khí ở Đông Âu (thay thế các loại vũ khí cũ kỹ, lạc hậu từ thời Liên Xô) cũng như cung cấp cho Đài Loan, Ukraine.

Hàn Quốc đặt mục tiêu đứng vào tốp 4 xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm 2027 (Hiện, Hàn Quốc đang đứng thứ 8), vượt qua cả Trung Quốc. Riêng Ba Lan, đã ký hợp đồng mua vũ khí trị giá hơn 10 tỉ USD với xứ Hàn bao gồm máy bay tiêm kích, xe tăng, tên lửa phóng loạt, pháo tự hành, hệ thống phòng không, xe chiến đấu bộ binh.

Các chuyên gia cho rằng, vũ khí của người Hàn khá hiện đại, tương đương vũ khí của các nước NATO nhưng giá thành khá rẻ, dễ sử dụng nên không chỉ Ba Lan mà Romania, Ai Cập, Indonesia, UAE cũng đặt mua với số lượng lớn.

“Vũ khí Hàn Quốc hoạt động tốt, giá cả phải chăng, đồng thời có nền tảng để sản xuất nhiều loại, từ pháo tự hành đến máy bay chiến đấu, tất cả khiến Hàn Quốc trở nên hấp dẫn”-Chuyên gia Kim Mi-jung nói.

Tuy vậy, Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu có các loại vũ khí, khí tài hiện đại công nghệ cao, hấp dẫn các quốc gia thành viên Á, Âu, Phi. Cuộc chiến ở Ukraine là bãi thử vũ khí Mỹ, chứng tỏ tính hiệu quả, công hiệu của các loại bom thông minh, pháo phản lực, hệ thống phòng không, xe chiến đấu, khiến các khách hàng đồng minh ùn ùn đổ tiền, đặt hàng các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ