A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung đột Ukraine-Bùng nổ ngành Công nghiệp vũ khí

QPTĐ-Viện Kinh tế thế giới Kiel vừa đưa ra nhận định, Đông Âu là khu vực dẫn đầu trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine, đang đẩy mạnh sản xuất súng, đạn pháo và các thiết bị quân sự với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Xung đột vũ trang Nga-Ukraine đang kích hoạt sự bùng nổ ngành Công nghiệp vũ khí thế giới. Sau Mỹ và Anh là hai quốc gia cam kết viện trợ quân sự nhiều nhất cho chính quyền Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ba Lan chiếm vị trí thứ 3, Séc xếp thứ 9.  

Nga đang đẩy mạnh sản xuất tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat. (Ảnh: Internet)

Trả lời báo chí, Ngoại trưởng Hungaria P.Szijiarto (25/11) tuyên bố: Các diễn biến tại Ukraine và các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga đang đẩy nền kinh tế châu Âu rơi vào khủng hoảng. Mỹ đã được hưởng lợi từ việc nền kinh tế châu Âu đi xuống. “Nếu chúng ta quan sát nền kinh tế toàn cầu, chúng ta có thể thấy EU đang thất thế. Khá rõ ràng để thấy đâu là bên đang hưởng lợi từ việc nền kinh tế châu Âu suy thoái. Vị thế và sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua”-Ông P.Szijjarto nói. 
Đồng nhất với nhận định trên, giới phân tích kinh tế cho rằng, các tập đoàn tư bản Mỹ đang hưởng lợi nhuận khổng lồ từ sản xuất dầu và vũ khí kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine (24/2/2022). 
Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài 9 tháng qua, đốt đi hàng trăm tỉ USD, phá hủy số lượng lớn vũ khí của các bên, trong khi kho vũ khí, đạn dược từ thời Liên Xô của các nước Đông Âu đã cạn kiệt, kể cả việc cung cấp vũ khí của Mỹ và phương Tây cho Kiev, trong khi Ukraine liên tục kêu gọi viện trợ vũ khí theo tiêu chuẩn NATO từ phương Tây. Nhu cầu chiến sự đòi hỏi lớn, đã và đang là thị trường béo bở cho các nhà sản xuất vũ khí làm giàu trong chiến sự. 
Cùng với đó, EU hạn chế tiếp nhận nguồn cung dầu mỏ của Nga từ hơn 40% xuống còn 9% (tháng 11/2022) và chấm dứt hẳn hợp tác thương mại từ ngày 5/12 tới. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu, trong đó có Mỹ, gia nhập thị trường Lục địa già. 
Nói về ngành Công nghiệp vũ khí, châu Âu có các đối tác đầy tiềm năng như Pháp, Anh, Italy, Đức, Séc, Ba Lan, Thổ nhĩ Kỳ. 
Tập đoàn PGZ thuộc sở hữu của Chính phủ Ba Lan, kiểm soát hơn 50 công ty sản xuất vũ khí, đạn dược, xe bọc thép, hệ thống thiết bị bay không người lái vừa đầu tư thêm 1,8 tỉ USD nâng công suất, mở nhà máy mới. Nếu như, PGZ cung cấp bình quân 300-350 hệ thống phòng không di động Piorun (năm 2020) đã tăng lên 600 hệ thống (năm 2022) và 1.000 hệ thống (năm 2023). 
Tập đoàn STV (Cộng hòa Séc) mở rộng, tăng công suất dây chuyền sản xuất đạn cỡ nhỏ mới và đạn cỡ lớn, doanh thu nửa đầu năm nay tăng gần gấp đôi năm trước, chủ yếu nhờ bán vũ khí. “Xuất khẩu vũ khí của chúng tôi năm nay sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1989”-Thứ trưởng Quốc phòng Séc T.Kopecny nói. 
“Các nước Đông Âu đã hỗ trợ đáng kể cho Ukraine. Đây cũng là cơ hội để họ xây dựng ngành Công nghiệp quân sự, sản xuất vũ khí của mình”-Giáo sư Viện Kinh tế Kiel nhận định.
Nếu như trước kia chỉ có Romania, Ba Lan sẵn sàng bỏ hàng tỉ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối THAAD của Mỹ thì hiện nay, nhiều nước châu Âu đã tính đến nâng cấp hệ thống phòng không, tăng cường sức mạnh quân sự, vũ khí hiện đại. EU cam kết tăng cường kho vũ khí lên 230 tỉ USD, riêng Đức 100 tỉ USD trong năm 2022. 
Nhiều nước châu Âu dành hơn một nửa chi tiêu quân sự giai đoạn 2022-2025 mua vũ khí Mỹ. Nước có tỉ lệ mua vũ khí Mỹ từ 72-95% phải kể đến Italy, Anh, Na Uy, Hà Lan (2017-2021). Tâm lý “sợ Nga” lan tỏa, khiến Phần Lan, Thụy Điển quyết nộp đơn xin gia nhập khối NATO.
Tuần qua (23/11), Ba Lan đồng ý để Đức triển khai lá chắn tên lửa Patriot tại khu vực sát biên giới phía Tây Ukraine sau vụ “tên lửa Kiev đi lạc”, bất chấp Nga phản đối. Ba Lan nâng chi tiêu quốc phòng năm 2022 lên 3% GDP. Hiện (từ 25/11), liên minh NATO đang tổ chức tập trận mang tên Hành lang Suwalki (TUMAK-22) có sự tham gia của 2.000 binh sĩ và 1.000 thiết bị bộ binh, xe tăng, không quân diễn tập tại biên giới Ba Lan-Lithuania, gần “tử huyệt” Kaliningrad (Nga). 
Từ đầu năm 2022, Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 19 tỉ USD, nếu tính từ năm 2014 khi xảy ra sự kiện Crimea, con số này lên đến gần 30 tỉ USD. Tuần qua, Mỹ hứa cấp 2 hệ thống phòng không NASAMS, giá 3 tỉ USD/1 hệ thống (trong số 6 hệ thống tương lai), là khoản ngân sách không nhỏ trong canh bạc của Nhà Trắng?
Xung đột Ukraine khiến thế giới sao nhãng cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Bắc Phi? Mỹ cũng ít để mắt đến chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Trung Quốc, thảo luận Hiệp ước START-III? Trung Quốc đang sở hữu 300 đơn vị hạt nhân, dự báo tăng lên 1.000 vào năm 2030.
Phát biểu tại lễ lớn ở Bình Nhưỡng (27/11), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ca ngợi hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 có tầm bắn 15.000 km là “vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới”. Triều Tiên có đủ vật liệu phân hạch chế tạo 45-55 vũ khí hạt nhân, sở hữu nhiều hơn 20-30 đầu đạn hạt nhân. 
Tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec, Tổng thống Nga V.Putin hối thúc ngành Công nghiệp quốc phòng Nga, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh phát triển, sử dụng công nghệ cao, phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Tổng giám đốc Trung tâm tên lửa Makeyev V.Degtyar (24/11) cho biết, Nga đang sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời là phương tiện răn đe hạt nhân của Nga. 
RS-28 có khả năng mang theo 10 đầu đạn nhiệt hạch lớn hoặc 16 đầu đạn nhỏ hơn, mỗi đầu đạn tấn công một mục tiêu riêng biệt; có khả năng mang 24 thiết bị phóng siêu vượt âm Avangard (Mach-27) nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh. 
Với đòn tấn công 18.000 km, thiết kế tàng hình, RS-28 rất khó bị đánh chặn, có thể xóa sổ một diện tích tương đương bang Texas, Mỹ hoặc nước Pháp.

LINH AN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ