A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình vũ khí hạt nhân đốt nóng châu Âu!

QPTĐ- Tuần qua, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus và lời mời gọi Mỹ mang vũ khí hủy diệt hàng loạt đến quê hương mình của chính quyền Kiev, đã đốt nóng dư luận toàn cầu.

Hệ thống phóng tên lửa 9P78-1 Iskander-M của Nga.         

Ảnh: Internet

Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya-24 (ngày 25/3), Tổng thống V.Putin cho biết: “Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả, có thể mang vũ khí hạt nhân của chúng tôi. Ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm vận hành và ngày 1/7, sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus”. Giải thích cho quyết định này, Ông chủ Điện Kemlin cho rằng, quyết định được thúc đẩy bởi Anh đã cung cấp cho Ukraine uranium nghèo.

Trên trang Website của Văn phòng Tổng thống Ukraine (30/3), Chính phủ Kiev tuyên bố, cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này nhằm đáp trả việc Nga chuyển gia vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.

Trong tuần qua, Nga và Mỹ dừng việc cung cấp thông tin định kỳ về chương trình triển khai vũ khí hạt nhân theo điều khoản thỏa thuận Hiệp ước New START giữa hai nước còn hiệu lực đến năm 2026. Vậy là, cùng với sự can thiệp của Nga và Mỹ, NATO, phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine, những tuyên bố về chương trình triển khai vũ khí hạt nhân của các bên, đang đe dọa an ninh toàn cầu.

Theo Tổng thống V.Putin, việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus “không có gì bất thường”, cũng tương tự việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu bao gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3 vừa qua, Anh chuyển giao xe tăng chủ lực Challengre-2 và hàng trăm quả đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo cho Ukraine. “Loại đạn này hiệu quả cao trong việc tiêu diệt xe tăng và các phương tiện bọc thép”-Bà A.Goldie, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh nói.

Được biết, uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình là giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu vũ khí hạt nhân. Mức độ phóng xạ của uranium nghèo chỉ bằng khoảng 60% phóng xạ của uranium tự nhiên. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, đây là kim loại nặng độc hại về hóa học và phóng xạ.

Về việc Anh cấp đạn uranium nghèo cho Kiev, Tổng thống Nga tuyên bố: “Nga sẽ đáp trả. Chúng tôi có hàng trăm ngàn quả đạn như vậy nhưng chúng tôi không sử dụng chúng. Vũ khí này có thể xếp vào loại có hại và nguy hiểm nhất đối với con người, không chỉ đối với binh sĩ hay những người tham gia chiến đấu mà còn đối với môi trường và những người sống trên lãnh thổ đó”.

Phát biểu trước cuộc họp thường biên của Quốc hội và Chính phủ (31/3), Tổng thống Belarus A.Lukashenko cho rằng, việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ là nhằm bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ phương Tây. “Phương Tây đang chuẩn bị xâm chiếm Belarus và phá hủy đất nước của chúng ta”. Nga có thể đặt cả hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đây, nếu cần-Tổng thống Belarus nói: “Không thể đánh bại một cường quốc hạt nhân. Nếu nước Nga có nguy cơ tan rã, họ sẽ sử dụng vũ khí khủng khiếp nhất”.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại sử dụng đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống nhắm mục tiêu phục vụ một cuộc tấn công hạn chế, phá hủy các mục tiêu của đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng. Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ có thể tương đương lượng nổ 1 kiloton (tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT) hoặc ít hơn. Loại lớn có thể đến 100 kiloton. Trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt (lên đến 1.000 kiloton), được phóng từ xa.

Belarus có biên giới giáp với 3 quốc gia thành viên NATO: Ba Lan, Latvia, Lithuania; có chung đường biên giới 1.085 km với Ukraine, có điểm gần nhất cách thủ đô Kiev chưa đầy 100 km. Là đồng minh của Nga, Belarus nhiều lần đề cập đến việc Mỹ, phương Tây triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu, đe dọa an ninh nước này. Xung đột nổ ra ở Ukraine, Belarus cho phép Nga triển khai hàng chục ngàn binh sĩ trên lãnh thổ. Tuy nhiên, Moskva không yêu cầu Belarus tham chiến.

Đáp trả Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ (25/3) tuyên bố: “Chúng tôi cam kết thực thi nguyên tắc phòng vệ tập thể của NATO. Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh lập trường hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”. Lầu Năm Góc cảnh báo, Moskva đang tìm cách cung cấp lương thực, thực phẩm cho Bình Nhưỡng để đổi lấy vũ khí, đạn dược.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Phó đại diện Trung Quốc Geng Shuang (31/3) nói: “Chúng tôi ủng hộ việc hủy bỏ các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân. Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ cường quốc hạt nhân nào triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài”. Trung Quốc kêu gọi về một giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Trước các sự kiện này, bà Kim Yo-jong-em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ngày 1/4) chỉ trích chính quyền Kiev. “Chính quyền của ông V.Zelensky bàn bạc về khả năng đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ tại nước này cũng như tự phát triển vũ khí hạt nhân, được coi như sự đánh cược số phận của đất nước nhằm hiện thực hóa tham vọng chính trị”.

Ông N.Sokol, thành viên cấp cao Trung tâm Giải trừ vũ khí, không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna nhận xét: “Nga luôn tự hào rằng, họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Bây giờ họ thay đổi điều đó và đó là một thay đổi lớn”. Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân gọi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga là “sự leo thang nguy hiểm”, “có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc”.

Ngày 31/3, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh thông qua Chiến lược đối ngoại mới, đặt mục tiêu loại bỏ chế độ thống trị của các quốc gia phương Tây trên trường quốc tế; đồng thời, tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thân thiện châu Á, châu Âu.

Trước việc Liên minh châu Âu (EU) có ý định cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga (31/3) nói: “Họ sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga nếu họ đến tiền tuyến mà không có sự đồng ý của Nga”.

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ