A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tích Giang-Cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng

 

Xã Tích Giang được xem là “cái nôi” đấu tranh cách mạng của quê hương Phúc Thọ anh hùng. Đến xã Tích Giang những ngày này, chúng tôi có dịp  tìm hiểu về những năm tháng chiến đấu của Đảng bộ, nhân dân và LLVT xã Tích Giang trong chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Trồng hoa trong nhà lưới ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.

 

Tích Giang được hợp thành từ 2 làng là Tường Phiêu và Cung Sơn. Xã có địa hình bán sơn địa, với trên 2km Quốc lộ 32, con đường huyết mạch nối liền huyện Phúc Thọ với thị xã Sơn Tây và các tỉnh phía Bắc chạy qua, rất thuận tiện trong phát triển kinh tế-xã hội, giao thương hàng hoá. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có con sông Tích, vừa cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, vừa thuận lợi cho nhân dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và là vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ của huyện.

 

Theo lịch sử Đảng bộ xã: Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chiếm đóng Sơn Tây, Tích Giang là địa bàn bị giặc Pháp càn quét ác liệt. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Tùng Thiện, nhân dân Tích Giang tích cực tham gia kháng chiến dưới nhiều hình thức. Trước sự lớn mạnh của phong trào và để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 25/7/1947, Huyện ủy Tùng Thiện đã Quyết định thành lập Chi bộ Đảng Tích Giang gồm 6 đảng viên, do đồng chí Kiều Long làm Bí thư. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh nhanh chóng của phong trào cách mạng xã Tích Giang. 

 

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, lực lượng du kích và nhân dân Tích Giang đã tổ chức các trận chống càn rất anh dũng, với cách đánh sáng tạo, độc đáo đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Lực lượng thanh niên nòng cốt của địa phương đã sớm giác ngộ cách mạng như các đồng chí: Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Tiến Cát, Nguyễn Hữu Long, Nguyễn Duy Sách, Nguyễn Hữu Mính... Đây là những cán bộ hoạt động đầu tiên của xã, có công lao to lớn trong việc tuyên truyền đường lối đấu tranh của Đảng, góp phần xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương…

 

Tổng kết các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, Tích Giang có 231 liệt sỹ, 60 thương, bệnh binh, 33 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 83 gia đình cơ sở cách mạng và kháng chiến; được tặng 1.142 Huân chương Kháng chiến, 962 Huy chương Kháng chiến; nữ du kích Hà Thị Phấn được Bác Hồ viết thư khen ngợi; đồng chí Nguyễn Gia Nghi được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc vào năm 1952. Đồng thời, xã Tích Giang và đồng chí Hà Nguyên Thị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Kiều Bình Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng bộ xã Tích Giang luôn vinh dự và tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của các lớp thế hệ đi trước. Những năm qua, Tích Giang không ngừng nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực. Xã đã về đích xây dựng nông thôn mới, được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Bộ mặt nông thôn được khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân là 29,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%, cuối năm 2016 phấn đấu giảm còn dưới 2%...

 

Từ hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội là động lực để Tích Giang củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng LLVT xã ngày một vững mạnh. Năm 2013, 2014, 2015, Ban CHQS xã đều được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Hằng năm, xã đều hoàn thành tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Dân quân xã tham gia Hội thao Quốc phòng lực lượng Dân quân tự vệ huyện đều giành giải Nhất toàn đoàn các năm: 2014, 2015. Năm 2016 đạt giải Nhì toàn đoàn.  Lực lượng dân quân xã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

 

Hồng Thư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ