A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gác bút nghiên lên đường chiến đấu

 

Đại tá Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hội CCB phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng sinh ra và lớn lên ở phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (1951). Do cha mẹ mất sớm nên ông được chị cả nuôi ăn học.

 

 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa lưu giữ nhiều kỷ vật của một thời gác bút nghiên lên đường chiến đấu.

 

Tháng 8-1970, đang là sinh viên năm thứ nhất, Trường Sư phạm ngoại ngữ (thời điểm đó trường sơ tán ở Từ Sơn, Bắc Ninh), cùng với không khí sục sôi của thế hệ trẻ khát khao được cầm súng chiến đấu, ông hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông bồi hồi: “Khi đọc tên mình trong danh sách khám tuyển chuẩn bị đi B, tôi háo hức lắm mà không lăn tăn gì về chuyện học hành. Tôi nhớ rất rõ, địa điểm chúng tôi khám tuyển là Trường cấp 3 Yên Phong, cách trường tôi học khoảng 10km. Hôm trước trúng tuyển, hôm sau chúng tôi vào bộ đội luôn. Khi đó chị gái tôi ở Hà Nội cũng không hay biết. Sau thời gian huấn luyện tại Trung đoàn huấn luyện quân đi B tại Mai Siu, Lục Nam, Hà Bắc, khoảng 3-4 tháng, chúng tôi hành quân sang Chí Linh, Hải Dương, rồi đón tàu đi thẳng vào Quảng Bình. Trước khi lên đường, tôi nhờ một người nhắn tin đến chị gái đang làm Cửa hàng trưởng hiệu sách Tràng Tiền nên chị đã kịp sang thăm. Tôi vào chiến trường một mạch, không có điều kiện liên hệ với gia đình cho tới khi hoà bình lập lại.

 

Vào tới Quảng Bình, chúng tôi được ghép luôn vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Vì là sinh viên nên chủ yếu anh em được chọn làm công tác kỹ thuật. Tôi thuộc tiểu đội thông tin, được đào tạo chuyên ngành mật mã, sử dụng máy 2W vô tuyến. Do là đơn vị chiến đấu nên những chiến sĩ thông tin có nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn sát cánh bên chỉ huy để đảm bảo thông tin liên lạc. Tôi khi ấy ở khu vực trung tâm, cạnh sở chỉ huy, khi các đại đội chiến đấu báo tin về, mình có nhiệm vụ tổng hợp nhanh tình tình, báo cáo chỉ huy.

 

Trận đầu tiên chúng tôi tham gia là Đường 9-Nam Lào (1971) và đơn vị tôi đánh bên đất Lào (Pha Lan, Đồng Hến), tiếp đó đánh Đường 14. Trong trận đánh Đường 14 (Tây Nguyên), đơn vị hy sinh rất nhiều, vì thiếu quân nên các đại đội liên tục liên lạc yêu cầu bổ sung quân. Tôi nhớ rất rõ, lúc đó có tôi và đồng chí Thắng, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh: Một người xuống Đại đội, một người ở lại giữ đầu mối liên lạc. Đồng chí Thắng xung phong nhưng tôi gạt đi và nói: Tôi biết cậu có vợ rồi, còn tôi thì chưa nên chẳng sợ gì hết, thế là tôi khoác máy lên vai và đi. Đi được gần 1 giờ đồng hồ, gần đến trận địa bổ sung thì được lệnh rút quân, thế là tôi lại quay về Tiểu đoàn.

 

Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị được lệnh tiến vào đánh Quân đoàn 22 Ngụy ở thị xã Pleiku. Nhưng khi vào thì địch đã rút. Vào trong các hầm, chúng tôi vẫn thấy còn nguyên đồ đạc, đèn sáng, ti vi vẫn bật. Đơn vị ở lại đó củng cố lực lượng, nhận lệnh chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khoảng tháng 2 năm 1975, tôi được chuyển sang làm công tác tuyên huấn. Vì thời điểm đó, yêu cầu của trên đặt ra, ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Tôi vốn đang là sinh viên, có trình độ, kiến thức và biết ăn nói nên được trên điều động sang công tác tuyên huấn. Nhiệm vụ của tôi khi ấy là viết bài, chụp ảnh, động viên tinh thần bộ đội để chuẩn bị bước vào chiến dịch lớn; phụ giúp công tác hậu cần phục vụ chiến dịch; ngoài ra đi đến đâu nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời báo cáo cấp trên.

 

Khi quân ta vào đánh trận Đồng Dù, ấn tượng của tôi là địch rất hoảng loạn. Kết thúc trận đó, các căn cứ địch để lại gần như nguyên vẹn. Hầm hào kiên cố, được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại. Chúng tôi có nhiệm vụ thăm dò tình hình trước khi đưa quân vào tập kết, củng cố lực lượng; đồng thời nắm tình hình tư tưởng nhân dân, phối hợp với đơn vị hậu cần lo quân nhu, quân trang và lương thực thực phẩm cho bộ đội…

Đúng ngày 30-4, Tiểu đoàn 3 của chúng tôi được phối hợp cùng các đơn vị của Quân đoàn 1, Quân đoàn 2. Đơn vị đi tuyến 2 nhưng tới đâu thì đều có vị trí tập kết do trên đã quy định sẵn. Thời khắc vào Sài Gòn, thực sự chúng tôi rạo rực, sung sướng vô cùng; thấy rõ là nhân dân rất bình tĩnh. Họ nhìn chúng tôi với ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa tò mò vì lúc đấy anh em còn quá trẻ, sống ở trong rừng nhiều nên đều gầy gò nhưng ai cũng có một tâm thế phấn chấn. Khi vào Sài Gòn, anh em đều mặc quần áo mới. Nhân dân ra đường nhiều, không khí rất phấn khởi.

Sau chiến thắng 30-4, tôi được đơn vị đề nghị cho học Trường Sĩ quan Đà Lạt (của Ngụy cũ, do mình tiếp quản), mục đích để bổ sung cán bộ của thành phố khi vừa giải phóng nhưng tôi xin về Bắc. Tháng 3/1976, tôi ra Bắc, tiếp tục học Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Năm 1980 ra trường, được điều về công tác ở Bộ Quốc phòng, tại Phòng nghiên cứu, Cục nghiên cứu, Tổng Cục Chính trị”.

 

Năm 2008 ông Khoa nghỉ hưu. Vốn là người có trách nhiệm nên về địa phương, ông lại được nhân dân tín nhiệm, bầu là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) 10. Năm 2012, ông được bầu là Chủ tịch Hội CCB phường Lê Đại Hành. Suốt từ đó cho tới nay, Hội CCB phường luôn tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, được các cấp tin tưởng và đánh giá cao.

Khi chúng tôi hỏi: Là thế hệ đi trước, ông muốn nhắn nhủ điều gì tới thế hệ trẻ nói chung và LLVT Thủ đô nói riêng? ông mỉm cười: Tôi muốn thế hệ trẻ, nhất là người quân nhân phải giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Thế hệ trẻ được tiếp cận thông tin và đào tạo bài bản, nếu được định hướng đạo đức, tư tưởng tốt thì chắc chắn sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển.

 

Trần Hiền-Thế Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ