A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với việc lợi dụng mạng xã hội để chống phá

 

QPTĐ-Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, với khả năng kết nối, tạo dựng các mối quan hệ vượt ra ngoài giới hạn không gian và thời gian, mạng xã hội đã trở thành một thứ “quyền lực” trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận mà chúng mang lại, internet, mạng xã hội cũng là môi trường thuận lợi mà các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để chống phá Việt Nam.

 

 

Các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để tiến hành các hoạt động chống phá.


Phương cách thường thấy mà các thế lực thù địch, những kẻ chống phá đất nước lợi dụng internet và mạng xã hội là tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, biến không thành có, thật giả lẫn lộn để lôi kéo, kích động, hướng dư luận theo quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, chúng lợi dụng một số vi phạm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất để làm “nóng” các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí… tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong xã hội, kích động tâm lý bất mãn với chính quyền. Một số vấn đề nhạy cảm chính trị-xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng thì bị chúng khai thác, phát tán thành chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội.


Một mặt các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để hô hào tụ tập đông người phản đối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cố gắng kích động dư luận, biến bức xúc thành bạo động, khiến sinh hoạt xã hội trở nên phức tạp; mặt khác, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội để hình thành cái gọi là “truyền thông độc lập”, tách khỏi sự quản lý của Nhà nước; thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân để tạo điều kiện, môi trường thực hiện “cách mạng mầu”; đồng thời cổ xúy cho các luận điệu dân chủ, nhân quyền, đòi tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây để phục vụ cho “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


Thực tế ở Việt Nam đã có những vụ việc các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để tiến hành các hoạt động phá hoại gây nên những hậu quả nặng nề. Điển hình là một số cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực xảy ra năm 2016 dưới chiêu bài "vì môi trường, chống Công ty Formosa Hà Tĩnh".  Hay lợi dụng tâm lý đám đông, sự bồng bột, thiếu tỉnh táo của một số người dân để kích động, gây nên cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực, gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10-6-2018. Sau đó, các thế lực thù địch còn hô hào "tổng biểu tình" trong các ngày 16-6 và 27-6; tuy nhiên, lúc này người dân ở các địa phương đã cảnh giác, tỉnh táo nên số người bị lôi kéo tham gia chỉ thưa thớt. Ngoài ra, nhân các ngày kỷ niệm, dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị cũng lên mạng để kêu gọi biểu tình, kích động tụ tập đông người trái pháp luật nhằm thực hiện hành vi chống Đảng, chống chế độ.


Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích của mạng xã hội và cả những hiểm họa từ mặt trái của chúng, Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển internet và mạng xã hội, đồng thời, có những biện pháp để internet và mạng xã hội cũng không thể là nơi để các thế lực chống đối, thù địch thoải mái lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, tiến hành các hoạt động chống phá. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Nhà nước cũng đã ban hành Luật An ninh mạng cùng nhiều văn bản pháp quy để ngăn chặn hiểm họa từ mặt trái của mạng xã hội.  


Về phương diện quản lý Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google yêu cầu giải quyết các đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội. Hàng nghìn video clip, trong đó có những video clip với nội dung phản động, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, đã được Google gỡ bỏ khỏi mạng xã hội Youtube. Hàng nghìn đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; hàng trăm tài khoản giả mạo, tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước cũng đã được Facebook ngăn chặn. Những việc làm đó là cần thiết chứ không phải là hạn chế tự do Internet, ngăn cản sử dụng mạng xã hội như các thế lực chống đối, thù địch xuyên tạc.


Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của internet, nhất là mạng xã hội sẽ xuất hiện những vấn đề mới, làm cho một số quy định pháp luật trở nên lạc hậu, bất cập hoặc không còn phù hợp; những giải pháp kỹ thuật không theo kịp sự phát triển của khoa học, kỹ thuật... Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách... giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội với các vấn đề mới của nó. Đồng thời, có giải pháp về công nghệ phù hợp, theo kịp sự phát triển của internet; khuyến khích phát triển mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài như Facebook, Google, Twitter để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ những nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ