A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam bảo đảm quyền tự do internet

 

QPTĐ-Trong những năm qua, nhất là khi internet phát triển, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường lợi dụng vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do internet để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mới đây nhất, ngày 5-11-2019, tổ chức Freedom House (Ngôi nhà tự do) có trụ sở chính đặt ở Mỹ, lại công bố cái gọi là “Báo cáo về tự do internet năm 2019”. Trong phần đánh giá về Việt Nam, báo cáo của tổ chức Freedom House đã đánh giá Việt Nam chỉ được 24/100 điểm, cụ thể, ở phần trở ngại để truy cập, Việt Nam được 12/25 điểm, phần giới hạn đối với nội dung được 7/35 điểm, phần vi phạm quyền người dùng được 5/40 điểm. Họ cho rằng, Nhà nước Việt Nam đã thiết lập nhiều công cụ để kiểm soát internet, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018.

 

 

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới.


Ở Việt Nam, các quyền về con người trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp, đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016… gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018.


Đối với internet, ngày 19/11/1997, dịch vụ này chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. Dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập hạn chế. Năm 1999, các nhà cung cấp dịch vụ internet được phép thử nghiệm công nghệ, dịch vụ điện thoại và các dịch vụ internet cơ bản. Đến 2003, internet băng rộng ADSL (MegaVNN) chính thức có mặt trên thị trường. Đây là dịch vụ truy nhập internet thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép người dùng truy nhập Internet tốc độ cao, vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời. Cũng trong năm này, cước internet, điện thoại giảm mạnh chưa từng có (từ 10-40%) đã kích thích nhu cầu người dùng tăng mạnh. Từ năm 2010, internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với xu hướng chuyển dịch từ dịch vụ cáp đồng sang cáp quang. Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất trên thế giới. 


Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019 cho biết, hiện có tới 64 triệu người dùng internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng 8 triệu người dùng so với năm 2018. Cũng theo báo cáo trên, người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng internet. Báo cáo cũng đề cập thêm, người dùng Việt Nam dùng trung bình 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến và dùng 1 giờ 11 phút để nghe nhạc. 94% là tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng internet hàng ngày.


Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sử dụng internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân…Tất cả những điều đó cho thấy đảm bảo tự do internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được đảm bảo thực hiện trong đời sống xã hội của nước ta. 


Dù là nước có tốc độ phát triển internet mạnh mẽ, nhưng Việt Nam cũng là quốc gia xảy ra các hành vi tội phạm mạng cao nhất thế giới. Vì vậy, nhằm đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung các trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Đặc biệt, việc ban hành Luật An ninh mạng năm 2018 là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng internet vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này; mà còn góp phần tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển của internet và nền kinh tế số tại Việt Nam; xây dựng một môi trường mạng lành mạnh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân.


Với chính sách nhất quán về tự do báo chí, tự do ngôn luận như Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu ngày 7-11: “Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng những nhu cầu trao đổi thông tin, học tập, làm việc của người dân”, chúng ta mong muốn và yêu cầu các cá nhân và tổ chức quốc tế có cái nhìn đúng đắn, khách quan đối với việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do internet nói riêng để chấm dứt việc đưa thông tin lệch lạc, sai sự thật, ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.


Phương Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ