A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, phá hoại

 

QPTĐ-Ngày 24-9, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) phát đi thông báo về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức đối tác công-tư (hình thức hợp đồng BOT). Một trong những lý do được Bộ GTVT đưa ra là số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao. Quyết định của Bộ GTVT đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Phần lớn các chuyên gia đánh giá cao quyết định này của Bộ GTVT và cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho những doanh nghiệp nội tham gia để chứng tỏ năng lực.

 

 

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, một phần của hành lang đường bộ Bắc-Nam.  

Ảnh: Internet


Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 11 năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, với tổng vốn đầu tư gần 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vì thông tin có nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia đầu tư vào dự án này mà nhiều người đã vội phản đối. Cùng với đó, rất nhiều đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng để phán xét, quy chụp, xuyên tạc tình hình liên quan. Chúng đưa ra những luận điệu sặc mùi phản động như: Làm đường cao tốc Bắc-Nam để “thuận lợi” cho Trung Quốc tiến vào xâm lược Việt Nam; làm cao tốc Bắc-Nam là một phần trong chiến lược một vành đai, một con đường của Trung Quốc; là quá trình biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc...


Đến nay, khi Bộ GTVT có thông báo về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước đã vạch rõ chân tướng những luận điệu xuyên tạc trước đây, khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn cân nhắc, thận trọng trước các dự án kinh tế-xã hội trọng điểm, vì mục tiêu phát triển nhưng cũng đặc biệt chú trọng đến công tác quốc phòng-an ninh. Vậy mà trên các trang mạng xã hội, fecebook cá nhân, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại uốn lưỡi, ra sức viết bài phân tích, bình luận hàm ý nghi ngờ, thậm chí xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu như các bài viết: “Đấu thầu trong nước Dự án cao tốc Bắc-Nam: Vì quyền lợi dân tộc?”; “Không còn niềm tin”, “Việt Nam sẽ không đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam”; “Trò chơi quân xanh và họa xâm lăng mềm của Tàu cộng”.... Chúng tuyên truyền, nghi ngờ năng lực của các nhà thầu Việt Nam; cho rằng đằng sau nhà thầu của Việt Nam sẽ là “yếu tố Trung Quốc”. Hoặc chúng cũng cho rằng, “các nhà thầu Việt Nam không đủ nguồn vốn và có thể sẽ vay vốn Trung Quốc với những ràng buộc phải mua nguyên vật liệu của các công ty Trung Quốc hay phải để cho công ty của Trung Quốc tham gia vào Dự án cao tốc Bắc-Nam”... 


Có thể khẳng định, chủ trương không đấu thầu quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước làm cao tốc Bắc-Nam được các chuyên gia cũng như nhân dân đồng tình ủng hộ, đặc biệt khi dự án này không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn rất quan trong đối với công tác quốc phòng-an ninh. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư bày tỏ quan điểm tán thành cao đối với quyết định hủy đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông của Bộ GTVT. Theo ông: “Đây là một công trình có yếu tố đặc biệt về an ninh và quốc phòng. Bởi vậy, việc để nhà thầu nước ngoài vào làm chủ đầu tư xây dựng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh quốc gia”. Ông cũng cho rằng, chủ trương này mang lại cơ hội lớn cho các nhà thầu trong nước thể hiện năng lực của mình: “Mặc dù dự án cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm quốc gia nhưng việc đứng ra làm nhà đầu tư cho dự án này hoàn toàn nằm trong khả năng của các doanh nghiệp trong nước”. Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá cao quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức đối tác công-tư của Bộ GTVT và cho rằng, đây là cơ hội không thể tốt hơn để các doanh nghiệp trong nước phát triển.


Rõ ràng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị luôn muốn lợi dụng thông tin thu hút dư luận xã hội để phá hoại các dự án phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời gây nghi kỵ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước hòng thực hiện mưu đồ của chúng. Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh táo, sàng lọc thông tin, biết phân biệt đúng-sai, thật-giả để không mắc mưu của chúng.


Đức Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ