A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với thông tin giả trên mạng xã hội

 

QPTĐ-Mạng xã hội là một ứng dụng giúp kết nối mọi người ở bất cứ đâu, là bất kỳ ai thông qua dịch vụ internet, giúp người dùng có thể chia sẻ những sở thích và trao đổi những thông tin cần thiết với nhau. Mạng xã hội dành cho mọi đối tượng sử dụng, không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền… Người dùng có thể liên kết với nhau dù họ ở bất cứ đâu, chỉ cần có internet. Hai đặc điểm cơ bản của mạng xã hội đó là: Sự tham gia trực tuyến của các cá nhân hay các chủ thể... và mạng xã hội sẽ có các trang web mở, người chơi tự xây dựng nội dung trong đó và các thành viên trong nhóm đấy sẽ biết được các thông tin mà người dùng viết. Ở nước ta, các mạng xã hội tiêu biểu hay được sử dụng phải kể đến là: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram... Với những hiệu quả đã vượt ra ngoài giới hạn về không gian và thời gian, mạng xã hội đã và đang phát triển nhanh chóng và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.

 

 

Tài khoản facebook giả mạo “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.

 

Hằng ngày, mỗi người chúng ta khi dùng mạng xã hội sẽ tiếp nhận vô vàn thông tin khác nhau. Thế nhưng để phân biệt đúng sai, sàng lọc những thông tin này thì không phải ai cũng làm được. Thời gian qua, thông tin giả, hay còn gọi là “fake news” xuất hiện ngày càng nhiều làm sai lệch bản chất của sự vật, hiện tượng. Thông tin giả có thể dẫn tới tiêu cực của hàng loạt vấn đề như kinh tế, xã hội, tạo dư luận xấu... thậm chí có thể cướp đi cả tính mạng của con người. Gần đây, trên mạng xã hội một loạt tin như: Lò vi sóng có chất phóng xạ gây hại cho người tiêu dùng; bé gái 6 tuổi bị xâm hại tình dục tại Nghệ An; lái xe 16 chỗ chở học sinh trường Gateway đã tử vong bất thường… Những thông tin khiến hàng chục nghìn người dùng mạng xã hội Facebook lo ngại, chia sẻ, bình luận. Tuy nhiên, đây lại là những thông tin sai sự thật được các cơ quan chức năng khẳng định không có căn cứ.

 

Thông tin nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt trên internet giờ đây không còn là hiếm. “Người bị hại” có thể là cá nhân, tổ chức, người nổi tiếng, quan chức, các nhà lãnh đạo cấp cao, thậm chí chỉ là người bình thường… Các đối tượng xấu hiểu được sự lan truyền chóng mặt của những tin tức xấu, đã khai thác, tận dụng triệt để vấn đề bức xúc xã hội để “đào sâu” theo hướng cực đoan. Chỉ cần “nghe hơi nồi chõ”, họ có thể phóng đại, bình luận thành những câu chuyện khác thường, thậm chí thông tin bịa đặt hoàn toàn mà ngay cả tổ chức, cá nhân bị hại cũng ngỡ ngàng, không hề biết.

 

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử phản động, lợi ích nhóm cũng lợi dụng mạng xã hội để đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng ta cũng không còn xa lạ khi vào thời điểm trước, trong Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc, đã từng xuất hiện không ít trang web và tài khoản mạng xã hội, liên tục đưa thông tin nói xấu bằng những tài liệu giả mạo, hình ảnh cắt ghép về công tác cán bộ và cá nhân nhiều vị lãnh đạo các cấp. Với ý đồ gây mâu thuẫn nội bộ, tạo sự nghi kỵ, hiềm khích trong cơ quan, đơn vị, địa phương, những đối tượng này thường suy diễn, xuyên tạc kết quả xử lý cán bộ, đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để “thổi bùng” bức xúc xã hội, khoét sâu những sai phạm, khuyết điểm … hòng rối loạn lòng người.


Ngay cả những thông tin chính thức đề cập tình hình phức tạp trên biển Đông những ngày qua, cũng bị các đối tượng bóp méo, xuyên tạc, gây nhiễu dưới danh nghĩa những người có trách nhiệm tỏ thái độ “nóng lòng” trước vận mệnh đất nước. Thâm hiểm hơn nữa, họ đăng tải những bình luận sai lệch về quan điểm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước hòng lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ cả tin tổ chức biểu tình, bạo loạn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như đã từng xảy ra ở một số địa phương.


Mới đây, trong khi các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cùng sự hỗ trợ của Trung ương, Quân đội đang nỗ lực khắc phục hậu quả vụ cháy nhà kho Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không kiểm chứng, rồi bình luận, “kêu cứu”, “buộc tội” đanh thép. Có ý kiến đề nghị phải có một “ủy ban cấp quốc gia” để xử lý “thảm họa môi trường” này. Có ý kiến ví von sự cố này với sự cố môi trường biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra…

 

Và như vớ được mảnh đất màu mỡ, các thế lực thù địch, phần tử phản động cơ hội chính trị ra sức tuyên truyền, xuyên tạc bằng các bài viết như “Chính quyền Hà Nội vô cảm với nhân dân”, “Hà Nội giấu nguy cơ nhiễm độc thủy ngân”, “Sự kiện cháy Công ty Rạng Đông và quyền được biết của người dân?”, “Sự cố cháy Công ty Rạng Đông: Nhà cầm quyền Hà Nội đã vô trách nhiệm như thế nào?”, “Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Người dân tự cứu mình”, “Vụ cháy Rạng Đông: Những điều kỳ lạ và thảm họa cấp quốc gia”...

 
Người dân có quyền tiếp cận thông tin và Nhà nước không giới hạn quyền đó, nhất là việc thu nạp thông tin trong môi trường mạng. Tuy nhiên, tiếp cận thế nào để có được những thông tin chính xác, trung thực, bổ ích đòi hỏi mỗi người cần có bộ lọc và sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng phát tán tin giả, thông tin xấu, độc theo quy định của pháp luật, góp phần làm trong sạch môi trường thông tin trên không gian mạng.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ