A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ

QPTĐ- Tổng cục Thống kê vừa công bố nội dung Báo cáo kinh tế-xã hội quý I/2024, theo đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I của các năm từ 2020-2023. Đây là minh chứng về sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, mở ra triển vọng lớn đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2024.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: Internet

Trong quý I/2024, đất nước vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. 

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhờ vậy, tăng trưởng GDP đã đạt mức 5,66%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Như vậy, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng với giá trị tăng thêm toàn ngành là 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm, tiếp tục thể hiện là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. 

Cùng với sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Nhờ vậy, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ đã có sự cải thiện đạt con số là 6,12%. 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD. Đây là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn về thương mại toàn cầu đang suy giảm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có mức tăng trưởng khá trong quý I như Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã đưa ra nhận định về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: “Những năm qua, mặc dù dòng vốn đầu tư thương mại và đầu tư của thế giới rất hạn hẹp, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện rõ ở việc tăng liên tục qua các năm. Thu hút nhiều  nguồn vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế tăng cũng là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng quý I/2024. 

Những con số thống kê đã thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc kết nối với thế giới, khẳng định được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam, tính chung quý I/2024, ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, theo kịch bản của Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I năm nay, tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại phải đạt trên 6,2%, để GDP cả năm là 6% trở lên. Đây là mức phấn đấu đòi hỏi thực hiện các giải pháp như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics. Hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt, để phát triển thị trường xuất khẩu và đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu. Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới, cần có giải pháp để biến tiềm năng thành hiện thực, trở thành cường quốc trong xuất khẩu công nghệ cao.

HỮU VĂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ