A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao tính Đảng trong hoạt động báo chí

QPTĐ- Đó là chủ để Diễn đàn Báo chí toàn quốc, vừa diễn ra tai Hội báo toàn quốc năm 2024. Tham luận tại phiên họp, nhiều nhà báo khẳng định tính Đảng, tính định hướng luôn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của báo chí, trong đó, tính Đảng là nguyên tắc, là nền tảng trong hoạt động, định hướng báo chí và trong các ấn phẩm báo chí. Báo Đảng phải thể hiện rõ tính tiên phong trong thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời qua các bài viết, ấn phẩm vừa bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vừa đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm các gian trưng bày ấn phẩm báo Xuân, 

các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2023 và quý I/2024 của các cơ quan báo chí tham dự Hội báo.

Ảnh: Internet

Báo Đảng phải thể hiện rõ tính tiên phong trong thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời qua các bài viết, ấn phẩm vừa bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vừa đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực…

Và để giữ vững và nâng cao tính Đảng, tính định hướng của báo Đảng, cần tiếp tục đề cao hơn nữa yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”. Đồng thời, phải luôn bám sát thực tế cuộc sống,  nắm bắt kịp thời thông tin đa chiều, toàn diện; qua đó phản ánh một cách khách quan, trung thực và thể hiện rõ tính Đảng, tính định hướng trong mỗi tác phẩm báo chí, đặc biệt là những tác phẩm mang tính phê phán cao. 

Tiếp tục phát triển quan điểm về tính định hướng, tính Đảng trong báo chí cách mạng Việt Nam, có ý kiến cho rằng,  tính định hướng và tính hấp dẫn của báo chí có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Tính định hướng càng đúng, càng sâu sắc, thể hiện càng sinh động, khoa học thì tính hấp dẫn càng cao, sức cuốn hút càng mạnh mẽ. Nhờ đó, báo chí sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người đọc và hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống càng hiệu quả. Bên cạnh đó, báo chí muốn giữ được bạn đọc, thì báo Đảng phải tự làm mới mình, phải giữ bản sắc của mình, đồng thời khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin”, để đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin, khi nhận thức của công chúng ngày càng cao.

Trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí của Việt Nam đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm thích nghi với xu hướng chung của báo chí thế giới cũng như nắm bắt được cơ hội mà cuộc Cách mạng 4.0 mang lại. Trong đó xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa tiếp cận và đa nền tảng đã chiếm vị chí chi phối và chỉ với một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa phương tiện, đa nền tảng mới có thể cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác,  phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Với vị thế của mình, hệ thống báo Đảng có nhiều ưu thế cạnh tranh thông tin, hoàn toàn có thông tin chính xác, góp phần định hướng dư luận.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. 

Đổi mới báo chí là ở chỗ, báo chí phải làm hơn cả những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “ai, cái gì, khi nào và ở đâu”. Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. 

Theo đó, không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. “Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Đây cũng là một trong những mục tiêu cốt lõi được đặt ra với các cơ quan báo chí trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023.

Theo đó, Chiến lược đặt ra yêu cầu phải xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại nhằm làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đồng thời, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.

HỮU VĂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ