A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

QPTĐ- Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị nêu rõ, lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội hun đúc nên giá trị, cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội và đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Ảnh: Internet

Với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu, Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. 

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long-Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

Sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.  

Đây là quá trình phấn đấu lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Chỉ thị 30-CT/TU nhấn mạnh một số nội dung như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tuyên truyền, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, mỗi công dân Thủ đô cần giữ gìn văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, thể hiện sự lịch lãm, tinh tế, thân thiện, hiếu khách; kiên trì xây dựng người Hà Nội cao về trí tuệ, đẹp về nhân cách, xứng đáng là người dân Thủ đô.

Theo các nhà nghiên cứu, Chỉ thị 30-CT/TU là một bước tiến mới, có tính đột phá trong cuộc vận động xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch, bởi đây là lần đầu tiên có một sự chỉ đạo nhất quán, toàn diện ở cấp cao nhất của lãnh đạo Thành phố, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đối với việc xây dựng đời sống văn minh đô thị. Chỉ thị này nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân Thủ đô và yêu cầu khách quan, bức thiết đặt ra trong thực tiễn phát triển của Hà Nội. Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và như vậy, Thành phố đã đặt sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết, UBND Thành phố ban hành kế hoạch về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điều đó cho thấy Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực để khơi nguồn năng lực nội sinh quan trọng, nhất là văn hóa và trí tuệ để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

HỮU VĂN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ